Chất lượng thủy sản - Nhìn từ mô hình quản lý mới

(NTO) Tỉnh ta có tiềm năng lớn về khai thác và nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) , hằng năm cung cấp nguyên liệu chính cho nghề chế biến và xuất khẩu thủy sản (TS). Tuy nhiên, chế biến TS mang lại giá trị kinh tế chưa cao do thiếu sự quan tâm trong công đoạn bảo quản sản phẩm.

Để đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) theo quy định của Nhà nước, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản (QLCLNLS) tỉnh thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện dự án Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ 5 mô hình quản lý chất lượng tiên tiến tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh TS trong tỉnh.

 
Nông dân xã Phước Dinh ứng dụng biện pháp nuôi tôm an toàn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Sơn Ngọc

Theo Kỹ sư Trương Văn Xa, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS tỉnh, từ tháng 9 đến tháng 12-2012, Chi cục đã thực hiện hỗ trợ áp dụng Chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP, GMP, SSOP cho những sản phẩm nước mắm và nguyên liệu TS thu mua của 5 công ty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh ta. Cụ thể ở phường Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm), có Công ty TNHH Sản xuất chế biến thuỷ hải sản và thương mại Thanh Phát được hỗ trợ thực hiện mô hình chế biến nước mắm áp dụng quản lý chất lượng HACCP và Doanh nghiệp tư nhân Đức Lý được hỗ trợ thực hiện mô hình thu mua nguyên liệu TS áp dụng GMP, SSOP. Xã Tân Hải (Ninh Hải) có Công ty TNHH MTV Sắc Diễm thu mua nguyên liệu TS cũng được hỗ trợ áp dụng quy phạm sản xuất GMP và quy phạm vệ sinh SSOP. Xã Cà Ná (Thuận Nam) có Công ty TNHH Lê Hà chế biến nước mắm được hỗ trợ áp dụng quy phạm sản xuất GMP và quy phạm vệ sinh SSOP. Tương tự, tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc) có Chi nhánh Vạn Xuân (Công ty TNHH Tín Phúc) khi chế biến nước mắm cũng được hỗ trợ áp dụng GMP và SSOP.

Qua thực hiện 5 mô hình, nhìn chung về cơ bản các công ty, doanh nghiệp đã bố trí nhà xưởng, trang thiết bị, con người và thiết lập quản lý chất lượng HACCP, chương trình quy phạm sản xuất GMP, quy phạm vệ sinh SSOP phù hợp, tương ứng với quy mô của cơ sở, đủ điều kiện đảm bảo VSATTP theo quy chuẩn hiện hành. Đơn cử Công ty TNHH sản xuất chế biến thuỷ-hải sản và thương mại Thanh Phát, hiện có tổng diện tích đất đai, nhà xưởng gần 1500 m2, chỉ cách cảng cá Đông Hải 100 m nên thuận lợi cho việc tiếp nhận nguồn nguyên liệu TS tươi, đảm bảo chất lượng dùng trong sản xuất nước mắm. Từ khi áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo nguyên tắc HACCP, Công ty đã bố trí cơ sở sản xuất phù hợp từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến chế biến ra thành phẩm. Mỗi công đoạn sản xuất đều kiểm soát chặt chẽ, có người chịu trách nhiệm giám sát; mỗi lô thành phẩm đều có ký hiệu mã số riêng để dễ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mỗi biểu mẫu giám sát sẽ được Ban Giám đốc công ty thẩm tra, ký nhận hằng ngày. Là doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất theo chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, Công ty TNHH Sản xuất chế biến thuỷ hải sản và thương mại Thanh Phát chẳng những chỉ chế biến nước mắm tiêu thụ nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài.

Lớn hơn gấp 4 lần Công ty TNHH Sản xuất chế biến thuỷ - hải sản và thương mại Thanh Phát về diện tích mặt bằng, Công ty TNHH Lê Hà cũng hơn hẳn về công suất sản xuất nước mắm và là một doanh nghiệp đang có những bước đột phá mới. Anh Lê Hà, Giám đốc Công ty TNHH Lê Hà cho biết: Nhờ ứng dụng những kiến thức VSATTP theo tiêu chuẩn GMP và SSOP, thực hiện quy trình kín và thẳng dòng từ khâu chượp đến đóng chai, đã thu hút một số doanh nghiệp tham gia đầu tư hơn 1 tỷ đồng để kiện toàn hệ thống sản xuất kinh doanh. Với ý nghĩa lấy “siêu sạch” làm tiêu chí hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm nước mắm truyền thống, đáp ứng được những yêu cầu của các thị trường khó tính, Công ty TNHH Lê Hà đang xúc tiến xây dựng thương hiệu nước mắm “Tam Siêu”. Qua sản xuất thành công các lô thử nghiệm của sản phẩm về ổn định màu sắc, mùi vị, Công ty đang chuẩn bị mọi mặt để đưa nước mắm Tam Siêu ra thị trường.

Khá lạc quan khi nhận định về các mô hình trên, anh Trương Văn Xa cho biết: Chất lượng TS, mà cụ thể là nước mắm qua áp dụng các mô hình quản lý mới in nhãn HACCP sẽ thuận lợi cho việc quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Điều quan trọng là làm sao nhân rộng các mô hình ra toàn tỉnh, giúp cho hàng trăm cơ sở chế biến TS ở tỉnh ta vươn mạnh ra thị trường. Thành công các mô hình đã cho thấy một hướng đi đầy triển vọng, tuy nhiên để nhân rộng vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Đó là phải kiểm soát được nguyên liệu đầu vào từ hoạt động khai thác, nuôi trồng TS và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TS bỏ vốn đầu tư cơ sở, trang thiết bị theo Chương trình quản lý chất lượng áp dụng nguyên tắc HACCP, GMP, SSOP.