Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc tổ chức hội nghị nhằm đề cao trách nhiệm giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, diễn ra cuối năm 2012.
Tại kỳ họp này, Quốc hội khoá XIII đã ban hành các Nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực lập hiến, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Các Nghị quyết đó là:Nghị quyết số 31/2012/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2013;
Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn;
Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại;
Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013.
Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
Nghị quyết số /2012/QH13 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Nghị quyết số 40/2012/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết số 27/2012/QH13 về về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Ngay khi các Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã chủ động triển khai.
Một số Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nhanh chóng, cụ thể như để thực hiện Nghị quyết số 31/2012/QH13 về phát triển kinh tế xã hội năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 và 02 để triển khai Nghị quyết này của Quốc hội. Đối với Nghị quyết số 37/2012/QH13 về phòng, chống tội phạm thì Chính phủ, Bộ Công an cũng đã nỗ lực thực hiện và mang lại hiệu quả rõ rệt trong mấy tháng qua.
Trong báo cáo việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc phân công các nội dung giám sát đã được đặt ra đối với mỗi Uỷ ban của Quốc hội.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, các đại biểu Quốc hội ở các địa phương bày tỏ sự đồng tình với mục đích tổ chức hội nghị nhằm đưa các Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị một số khó khăn trong việc vừa thực hiện chức năng giám sát, vừa thực hiện nhiều công việc thường xuyên khác như góp ý xây dựng pháp luật, đặc biệt là sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992, giải quyết kiến nghị của cử tri…
Để cho công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội có hiệu quả, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị mỗi quý, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần có báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết.
Những kiến nghị của các đại biểu Quốc hội sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện các Nghị quyết.
Góp ý về vấn đề nêu trên, đại biểu Trần Du Lịch (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) đề nghị Hội nghị cần làm rõ cách thức cưỡng chế thi hành như thế nào đối với chính quyền các cấp nếu thực hiện không theo các Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài ra, đại biểu Trần Du Lịch đặt ra vấn đề trong giám sát thì các đại biểu Quốc hội có nên giám sát xem các Nghị quyết của Quốc hội có phù hợp với cuộc sống không?
Ông Trần Du Lịch đưa ra ví dụ: Nghị quyết số 31/2012/QH13 (về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2013) đưa ra mục tiêu chung nhất là “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”, với mục tiêu cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng khoảng 8%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng của năm 2012 chỉ có 6,7%. Do đó, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần lưu ý trường hợp chưa triển khai Nghị quyết đã phát sinh vấn đề không phù hợp với thực tiễn như vậy.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng một trong những điều kiện quan trọng nâng cao hiệu lực giám sát là thông tin. Nếu đại biểu Quốc hội không có thông tin thì sẽ chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.
Ông Quyền và một số đại biểu khác cũng cho rằng muốn tăng cường giám sát hiệu quả thì phải làm rõ được trách nhiệm và có “địa chỉ” (Bộ, ngành, địa phương và cá nhân nào thực hiện chưa đúng Nghị quyết của Quốc hội) thì càng tốt… Tăng cường giám sát cần có quyết tâm, phương pháp thực hiện và bản lĩnh của đại biểu Quốc hội”.
Nguồn www.chinhphu.vn