1. Rau, quả
- Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường như "quá mập", "quá phồng" hoặc dính các hạt bụi nhỏ.
- Khi sử dụng, cần nhặt tách riêng từng lá và cọng rau, ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút để hòa tan thuốc bảo vệ thực vật (nếu có). Sau đó, rửa trôi 2-3 lần trước vòi nước chảy hoặc trong chậu nước đầy. Nếu là quả thì nên gọt bỏ vỏ, loại những quả dập nát.
2. Thịt tươi
- Chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.
- Thịt tươi, ngon phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
3. Thịt gia cầm (gà, ngan, vịt...)
- Có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng. Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền. Da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ.
- Với thịt chế biến sẵn (như thịt quay) phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh.
- Không mua thịt bán ở các sạp, rổ, mẹt, giấy để sát đất vì dễ lây vi khuẩn nhiễm độc thịt (hay có trong đất, phân gia súc, phân người).
4. Đồ hộp
- Chọn loại 2 nắp hộp bị lõm vào, gõ vào có tiếng kêu đanh. Nếu nắp hộp phình ra, gõ vào tiếng kêu bịch bịch thì đồ hộp đã bị hỏng.
- Bạn có thể nhúng hộp vào chậu nước, tốt nhất nước 70-80 độ C, lấy tay đè xuống xem có bọt khí nổi lên không. Hoặc cho vào nước đun sôi, với đồ hộp còn tốt thì 2 nắp sẽ phồng lên, nếu không thực phẩm đã bị rữa nát.
5. Chọn mứt Tết
Khi chọn mua bánh mứt nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và địa chỉ rõ ràng. Cũng như các loại mứt có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng.
Đối với bánh mứt có màu sắc loè loẹt, tươi sáng là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người sử dụng có thể dẫn đến nhiều chứng bệnh về ung thư, rối loạn tiêu hoá, thần kinh ...
Với những loại mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu tổng hợp. Chú ý, nên mua những loại mứt bao bì còn nguyên vẹn, được bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng.
Khi mua, phải đọc kỹ nhãn hiệu bao bì, nên mua mứt của những nhà sản xuất có uy tín trên thị trường; mua ở nơi tin cậy như siêu thị, đại lý, … vì có sự kiểm soát chất lượng vệ sinh sản phẩm.
Dùng các giác quan như: nhìn, ngửi, sờ, nếm… để phát hiện mứt có bị mốc, mùi hôi, chảy nước, mùi chua hay không.
6. Hạt dưa
Hạt dưa là loại hạt dễ bị tẩm, nhuộm các loại hóa chất độc hại như Rhodamine B gây hại cho cơ thể. Nếu ăn hạt dưa nhuộm Rhodamine B lâu dài sẽ gây suy gan, thận và ung thư.
Dưa nhuộm bằng Rhodamine B thường có màu đỏ sẫm, nhìn như sơn, khi cho vào miệng không bị phai màu trong miệng.
Nếu hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp (dùng trong nhuộm vải sợi...) thường có màu sáng bóng, không bị phai, kể cả khi tiếp xúc với nước.
Còn hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm có màu sắc tự nhiên, không quá đậm, không sáng bóng, dễ bị phai, nhòe khi gặp nước nên màu rất dễ dính vào tay và da khi sử dụng. Khi để ẩm sẽ dính màu vào vải bông, vải lụa.
Khi mua hạt dưa nên chọn loại hạt có màu đỏ nâu tự nhiên, không có màu đỏ hay hồng tươi cũng như không bị cháy đen.
Không chọn loại có phết dầu lên vỏ bóng nhẵn. Nên chọn những loại khi cầm hạt lên cắn thì tay, môi, lưỡi không dính màu đỏ; hạt bên trong màu trắng ngà, có vị béo ngậy đặc trưng. Nên thử trước khi mua bằng cách cho cả hạt vào miệng để ngấm nước bọt rồi cho vào lòng bàn tay xoa xem có bị phai màu không.
Nếu thấy hạt dưa có màu lạ, mùi hôi dầu hay hôi mốc, ăn thấy vị đắng khác lạ thì không nên dùng.
7. Rượu
Trước khi mua rượu, người tiêu dùng nên kiểm tra tem, nhãn và nắp chai có rõ ràng không? Còn nguyên vẹn không?
Nên chú ý khi mở rượu, nếu thấy có mùi xốc của cồn tức là rượu đó có hàm lượng cồn cao. Người uống cần lắc nhẹ ly để kiểm tra độ bám của rượu ở thành ly.
Những loại rượu lâu năm và rượu thật thường tỏa ra mùi vị đặc trưng và rượu có độ đặc sánh, khi lắc sẽ rượu sẽ bám nhẹ trên thành ly.
8. Bánh kẹo
Hãy chọn sản phẩm chất lượng của những thương hiệu uy tín. Không nên vì giá rẻ hay chuộng "mác" ngoại mà mua bánh kẹo ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nếu chọn giỏ quà gói sẵn để biếu cần xem kỹ cơ cấu sản phẩm được gói bên trong, tránh mua nhầm hàng ngoại kém chất lượng, vừa ảnh hưởng sức khoẻ người sử dụng đồng thời giảm giá trị, ý nghĩa của món quà gửi trao.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết, mọi người cần lưu ý khâu bảo quản thực phẩm để tránh ôi thiu. Trong trường hợp không có tủ lạnh thì cần nấu chín kỹ thực phẩm và mỗi lần ăn lấy ra một chút, trước khi ăn phải nấu kỹ lại và chỉ bảo quản từ 2 – 3 ngày trong điều kiện thời tiết lạnh. Cần để riêng thịt sống và thức ăn chín để tránh lây nhiễm. Trước và sau khi chế biến thức ăn cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng. Đặc biệt đảm bảo các món ăn đều được nấu chín trước khi ăn, không ăn đồ tái, sống.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại