Bảo vệ môi trường biển - Vấn đề cần quan tâm

(NTO) Trải dọc 105 km đường biển, vùng ven biển của tỉnh, bao gồm 17 xã, phường, thị trấn vùng ven biển là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng ngư dân trong tỉnh, phần lớn trong số họ sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản và làm muối.

Điều kiện tự nhiên của vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển và đất đai, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, có điều kiện liên kết với các huyện ven biển và các thành phố lân cận để phát triển kinh tế biển và du lịch; đầu tư phát triển đô thị. Điều kiện khí hậu nắng nóng kéo dài rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp canh tác nhiều vụ/ năm; thâm canh tăng năng suất cây trồng khi có nước tưới chủ động. Môi trường đất, nước, không khí còn khá trong lành.

Những người tham gia bảo vệ rạn san hô xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu khô nóng kéo dài, lượng mưa thấp, lượng nước bốc hơi cao nên cây trồng thường bị hạn hán, ảnh hưởng lớn đến việc thâm canh tăng vụ cây trồng. Do thiếu nước tưới nên hệ số sử dụng đất thấp, năng suất cây trồng và hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Nguồn nước ngầm ít và nhiều vùng bị nhiễm mặn; khả năng khai thác sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là các thách thức lớn cho việc đầu tư phát triển của địa phương.

Bên cạnh đó, do các tập tục truyền thống, đặc thù của vùng ven biển nên đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu kém và thiếu đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng đô thị như hệ thống đường giao thông, thoát nước, cấp điện, cây xanh, công trình xử lý rác thải - nước thải... Công tác quản lý đô thị và tài nguyên môi trường còn nhiều hạn chế… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt khu vực ven biển đang diễn biến xấu và mức độ ngày càng trầm trọng hơn.

Trong quý IV năm 2012, Chi cục Biển tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường của tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát tại 56 điểm khảo sát thuộc các cụm dân cư ven biển. Thông qua việc điều tra, phỏng vấn và quan sát tại hiện trường, cuộc điều tra đã tiếp cận các nhóm đối tượng là các hộ dân sinh sống trên địa bàn và các tổ chức kinh tế, hành chính sự nghiệp của địa phương. Kết quả điều tra đem lại cho chúng ta khá nhiều điều quan tâm về quản lý và xử lý chất thải cũng như mối nguy cơ về tình trạng ô nhiễm môi trường vùng ven biển của tỉnh.

Trung bình mỗi ngày trên địa bàn 17 xã, phường, thị trấn ven biển phải tiếp nhận khoảng 53 tấn chất thải rắn từ sinh hoạt của các hộ dân và 59 tấn từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đáng quan tâm ở đây là chất thải chưa được phân loại, xử lý được xả thải thẳng vào môi trường biển còn chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, các hoạt động thu gom rác thải của các đơn vị vệ sinh môi trường cũng như việc quy hoạch, tập trung rác thải ở các địa phương còn nhiều bất cập, chưa thường xuyên; ý thức của người dân cộng với sự thiếu hiểu biết về vệ sinh môi trường cũng như ý thức bảo vệ môi trường biển còn nhiều hạn chế; dẫn đến tình trạng rác thải ngày càng tràn lan tại các khu dân cư ven biển, chất thải nguy hại không ngừng đổ ra biển; đe dọa nghiệm trọng đến môi trường biển.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế biển và các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực ven biển cũng khiến lượng chất thải gia tăng nhanh chóng gây ô nhiễm nước mặt; là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái thủy sinh nhạy cảm như thảm cỏ biển và san hô...

Từ những mối nguy hại đang ngày càng nghiêm trọng như trên, thiết nghĩ các ngành chức năng, các địa phương cần có các giải pháp mang tính căn bản để kịp thời ngăn chặn sự suy thoái môi trường và bảo vệ, phát triển bền vững môi trường biển của tỉnh nói riêng và môi trường tự nhiên vùng ven biển của tỉnh nói chung. Một số giải pháp được đề xuất như sau:

Cần tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo của UBND các cấp, đặc biệt là UBND các xã, phường, thị trấn ven biển trong việc tổ chức đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư thông qua việc triển khai thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường, địa bàn quản lý trên bờ và trên biển. Triển khai kiểm tra, quản lý công tác bảo vệ môi trường và xả thải theo quy định. Xây dựng và tiến hành quản lý thực hiện theo quy định các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng nước trên địa bàn.

Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có xả thải ra môi trường biển, ven biển. Xử phạt nghiêm minh các cơ sở gây ô nhiễm; ngăn chặn tình trạng các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thải nước thải, chất thải bẩn chưa qua xử lý (xử lý chưa đúng tiêu chuẩn) ra sông, biển.

Tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xử lý chất thải, đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động quản lý, xử lý chất thải tại các xã, phường, thị trấn ven biển của tỉnh. Tổ chức tốt các đợt ra quân (bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương và nhân dân trong thôn, khu phố ven biển) dọn dẹp vệ sinh môi trường thu gom rác thải, làm sạch bãi biển nơi cư trú… Tổ chức tốt hoạt động của các tổ nhân dân tự quản, tổ vệ sinh môi trường của các xã, phường, thị trấn trong việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải.

Tiếp tục nâng cấp và phục hồi các công trình thủy lợi chống lũ, chống sói lỡ bờ biển, các công trình cấp nước ở thành thị và nông thôn. Đưa vào quy hoạch vùng cần được nghiên cứu, chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải công cộng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi… các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường biển như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản…

Tin rằng với những giải pháp cơ bản trên sẽ góp phần cải thiện môi trường vùng ven biển nói chung, tiến tới bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên và môi trường biển trên địa bàn tỉnh.