Đội tàu của lão ngư Tư Bông.
Gầy dựng cơ nghiệp từ tay trắng
Ghé thăm nhà ôngTư Bông vào một ngày cuối năm. Độ này ông mới có chút thời gian nhàn rỗi để chăm sóc mấy chậu cảnh trước sân nhà cho kịp nở hoa vào dịp Tết. Nhìn cơ ngơi nhà cửa khang trang, ít ai nghĩ ông từng chịu nhiều cơ cực. Mất cha từ nhỏ, mới học hết lớp lớp 5 ông phải rời ghế nhà trường đi mót cá kiếm tiền phụ giúp mẹ. 15 tuổi, ông theo cậu đi biển, không nề hà việc gì, miễn sao có tiền là được. Nhờ siêng năng, nên năm 1971 khi vừa bước vào 20 tuổi, ông đã có ít vốn, sắm được chiếc ghe 2 lá tạo kế mưu sinh. Với chiếc ghe nhỏ bé này, ông đánh bắt trong lộng, sáng đi chiều về, thu nhập đủ cho gia đình trang trải qua ngày.
Là người biết nhìn xa trông rộng, ông hiểu rằng chỉ quanh quẩn trong bờ thì khó mà giàu lên, nên năm 1998 ông dồn hết tiền của dành dụm được sắm một chiếc thuyền công suất 30 CV làm nghề pha xúc. Đây là 1 trong 6 chiếc thuyền lớn nhất ở xã Phước Diêm lúc bấy giờ. Thế nhưng khi ra khơi, phát hiện được đàn cá, ghe của ông cũng chỉ “theo đuôi” tỉnh bạn. Liên tục những chuyến ra khơi lỗ nặng, buộc ông phải bán thuyền trả nợ, đi “bạn”. Ba năm làm “bạn” trên các thuyền lớn, ông và các con trai có dịp đến các ngư trường xa như: Trường Sa, Côn Đảo, vùng biển Tây Nam… Với con mắt tinh tường của một ngư dân có nhiều năm lăn lộn với biển cả, ông nhận thấy chỉ ở ngoài khơi xa mới nhiều cá, nên năm 2000 “dốc hết hầu bao” sắm lại chiếc thuyền công suất 45 CV để làm nghề. Có thuyền mới, ông phấn chấn như chim “sổ lồng”, thành lập ngay “tổ đánh bắt” mà thành viên toàn là người trong gia đình. Nhờ làm việc trên cùng một thuyền nghề, nên cha con, anh em có điều kiện truyền đạt kinh nghiệm đi biển cho nhau, ít lâu sau các con ông thành thạo ngư trường như lòng bàn tay, chỉ cần xem con nước lên xuống là biết biển có cá hay không.
Bám biển làm giàu
Ông Tư Bông, thổ lộ: Có nhiều chuyến ra khơi gặp luồng cá lớn nhưng năng lực đánh bắt thấp làm tôi tiếc rụi. Chính vì vậy, năm 2001 tôi “bạo gan” vay ngân hàng số tiền tương đương 10 cây vàng để đóng thuyền lớn, công suất 110 CV, trang bị 2 hầm đá nên có thể bám biển dài ngày. Càng ra khơi xa càng đánh được nhiều cá, ông “phát nghiền”, đóng mới tàu công suất lớn trên 300 CV vào tận vùng biển Tây Nam đánh bắt. Lúc này những con trai của ông đã trưởng thành, ông bắt đầu có tham vọng trang bị đội tàu “hùng hậu” tỏa ra đánh bắt ở nhiều ngư trường khác nhau. Mỗi lần nhận được tin vui trúng luồng cá lớn của các con báo về, ông lại nghĩ đến đóng thêm tàu lớn. Cách sắm thuyền nghề của ông cũng rất “an toàn”, cứ sau vài năm làm nghề, gom được tiền trả nợ cũ, mới đóng thêm tàu. Chiếc đóng sau hiện đại, công suất lớn hơn chiếc đóng trước. Ông chia sẻ niềm vui: “Năm 2012 làm ăn được, tôi đang đóng thêm một chiếc công suất 500CV, khoảng 2,5 tỷ đồng, hạ thủy vào đầu năm mới”.
Tính cả chiếc sắp hạ thủy, hiện nay ông có đội thuyền 6 chiếc với tổng công suất 2.250CV. Chiếc lớn nhất công suất 630 CV được trang bị máy dò ngang, ông giao cho con trai Nguyễn Minh Phụng làm tài công “bám trụ” ở ngoài khơi đảo Côn Sơn, Phú Quốc… 5 chiếc “vệ tinh” có công suất trên 300 CV hoạt động “con thoi”, khi nhận được tín hiệu cá xuất hiện từ tàu trung tâm, lập tức tăng tốc bủa vây đánh bắt. Ông tự tin: “Nhờ có thuyền lớn đi tiên phong dò cá, nên đội thuyền của tôi thường xuyên phát hiện được những luồng cá dày đặc, chỉ đánh vài mẻ lưới là các hầm đá đầy cá”. Làm nghề ở ngư trường xa, cùng với tổ chức đánh bắt khoa học, nên chuyến đi biển nào đội thuyền của ông cũng trúng đậm. Hạch toán sơ bộ ban đầu, năm nay ông thu lãi ròng gần 2 tỷ đồng, 70 người đi “bạn” được chia mỗi người trên dưới 50 triệu đồng/năm.
Tết Quý Tỵ đã cận kề, nhưng ông vẫn nặng lòng nhớ biển. Chuyến ra khơi đầu năm mới của ông hùng hậu hơn nhờ có thêm một chiếc mới đóng. Đội tàu của Tư Bông ngày càng hiện đại đủ điều kiện ra khơi xa đánh bắt dài ngày nâng cao sản lượng, chất lượng hải sản, tăng thu nhập, đồng thời khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Tùng