Đường về các Đồn Biên phòng uốn lượn men theo bờ biển như một dãi lụa thật đẹp. Thời tiết chớm xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc tràn đầy sức sống. Lần nào ghé thăm Đồn Biên phòng 404 đứng chân trên địa bàn thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) cũng được CBCS ở đây đón tiếp nồng hậu.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 404 thường xuyên tuần tra,
kiểm soát các phương tiện tàu thuyền trên biển. Ảnh: Thanh Long
Trong không khí đầm ấm, các anh kể nhiều câu chuyện giúp dân cảm động. Đó là những chiến sỹ mang quân hàm xanh tuổi đời rất trẻ rời thành phố nhộn nhịp vác ba lô xung phong “lên non” giúp dân. Sự cống hiến của các anh đã góp phần làm cho các thôn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh "thay da đổi thịt". Được Thiếu tá Dương Văn Mão, đưa đi “mục sở thị” ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải mới chứng kiến được sự đổi thay nhanh chóng ở đây. Rảo bước dưới những vườn dừa xiêm, mít nghệ, điều…chúng tôi thực sự thích thú khi gặp những đàn ong chăm chỉ tìm hoa hút mật; những con bò, dê thong thả nhai cỏ. Sức sống mới ở đây hiện diện khắp mọi nơi, nhưng ít ai biết trước đây, 70 hộ dân đồng bào Raglai đời sống còn hết sức khó khăn, đều nằm trong diện nghèo. Hiện nay, nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nên mức sống của bà con đã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, các hộ dân có nhà xây khá khang trang, có điện, nước sạch sinh hoạt. Anh Mấu Văn Lếch, Trưởng BQL thôn Cầu Gãy, tâm sự: “Bà con được như ngày hôm nay có công rất lớn của bộ đội biên phòng “bày cách” làm lúa nước, trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi dưới tán cây”.
Đúng như lời Trưởng BQL thôn, mấy năm trước khi bắt đầu triển khai thực hiện các mô hình sản xuất mới ở địa bàn thôn Đá Hang và Cầu Gẫy gặp rất nhiều khó khăn do tập quán sản xuất lạc hậu. Tình trạng được Nhà nước hỗ trợ thì sản xuất theo kỹ thuật mới, hết hỗ trợ lại trở về cách thức cũ kéo dài làm cho cuộc sống của bà con “dậm chân tại chỗ”. Thế nhưng kể từ khi Đồn Biên phòng 404 cử 2 chiến sỹ trực tiếp bám sát cơ sở giúp dân sản xuất, đời sống bà con đã có nhiều chuyển biến. Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, các chiến sỹ đã hướng dẫn nông dân trồng lúa nước thành thạo; nuôi bò, dê sinh sản mang lại hiệu quả cao. Ghi nhận nhất trong năm 2012 là bộ đội biên phòng đã hướng dẫn bà con nuôi ong lấy mật thành công. Kết quả hiện nay rất khả quan, ong tăng đàn nhanh, đã thu được 50 lít mật, trị giá khoảng 20 triệu đồng. Anh Mấu Văn Lếch, thổ lộ: “Bà con vui lắm, bộ đội hết lòng vì dân, giúp dân làm giàu”.
Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh khám chữa bệnh cho bà con thôn Cầu gãy,
Đá hang, Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Huy Tuấn
Với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, đảo, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn sát cánh với chính quyền các xã ven biển giúp đỡ ngư dân vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Có mặt ở Cảng cá Cà Ná vào một ngày cuối năm, chúng tôi chứng kiến không khí nhộn nhịp, tàu thuyền ra vào tấp nập. Hàng trăm chiếc thuyền công suất trên 90 CV đánh bắt từ khơi xa cập cảng cá mực đầy khoang. Ngư dân Phạm Văn Loan, thôn Lạc Nghiệp 2, xã Cà Ná (Thuận Nam) chủ hai chiếc tàu công suất lớn vừa từ vùng biển Nhà giàn DK1 về, tâm sự: “Thời gian gần đây đánh bắt ở ngư trường xa gặp khó khăn do giá xăng, dầu cao; một số tàu nước ngoài cản trở bà con làm nghề. Với sự giúp đỡ, động viên kịp thời của chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, chúng tôi tự tin hơn, sẵn sàng ra khơi bám biển đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống mà cha ông đã gắn bó bao đời nay”.
Càng gần Tết Nguyên đán, lượng tàu thuyền cập Cảng Cà Ná càng nhiều. Đây là thời điểm các chiến sỹ Đồn Biên phòng 420 tất bật nhất. Chỉ huy Đồn thành lập các tổ công tác, đi ca-nô ra cửa biển đón những chiếc tàu đánh bắt dài ngày ngoài khơi xa vào bờ ăn Tết cùng với gia đình. Mặc cho sóng đánh ướt sũng người, nhưng các anh vẫn tươi cười ân cần hỏi thăm sức khỏe của ngư dân, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn. Đại úy Phạm Hồng Thanh, Phó trưởng Đồn 420, chia sẻ niềm vui: “Hiện tại ở xã Cà Ná và Phước Diêm có 542/834 tàu công suất trên 90 CV đủ điều kiện đánh bắt xa bờ. Để ngư dân an tâm rẽ sóng ra khơi khai thác hải sản, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, để ngư dân sát cánh cùng nhau làm ăn. Tính đến nay, địa phương đã thành lập được 22 Tổ đoàn kết, với 95 tàu tham gia, hoạt động có hiệu quả.
Ngư dân Phạm Đứng ở thôn Lạc Tân 2 (Phước Diêm), thổ lộ: “Từ khi vào Tổ đoàn kết, tôi rất an tâm ra khơi. Những ngày làm nghề ở khơi xa, bộ đội biên phòng sử dụng bộ đàm thường xuyên kết nối thông tin liên lạc với ngư dân, thông báo bão, hướng dẫn tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn. Những tàu gặp rủi ro trên biển, thì bộ đội biên phòng vận động các tàu thuyền đến ứng cứu nên chúng tôi rất an tâm bám biển và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”
Thêm một mùa Xuân mới lại về, vì nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, nhiều chiến sỹ biên phòng sẽ có thêm một giao thừa xa nhà. Những việc làm nghĩa tình nơi biên cương của các anh củng cố thêm truyền thống tình quân - dân thắm thiết.
Anh Tùng