Những kết quả đáng ghi nhận
Những ngày đầu năm 2013, chúng tôi có dịp tham dự một tiết học của lớp 2A, Trường TH Phước Bình B, xã Phước Bình (Bác Ái). Được giới thiệu có khách, cả lớp nhanh chóng đứng dậy đồng thanh hô chào rất lễ phép; em Chamalea Mỹ, Phó Chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp tự tin giới thiệu về lớp học của mình: Lớp của em có bảng thi đua học tập, vườn hoa điểm tốt… và ai cũng cố gắng để có thật nhiều lời khen, nhiều bông hoa điểm tốt....
Giờ học môn Tiếng Việt tại lớp 3C, Trường Tiểu học Tân Sơn B (Ninh Sơn).
Ảnh: Chí Cang
Bước vào giờ học, dưới sự điều hành của nhóm trưởng, các nhóm nghiêm túc học bài và hăng hái thảo luận mỗi khi có chủ đề đưa ra. Đặc biệt, những học sinh khá, giỏi trong nhóm rất nhiệt tình khi hướng dẫn bài cho các bạn học yếu. Cô giáo Lê Thị Mỹ Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A cho biết: Học sinh của lớp 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt còn hạn chế nên trước đây các em rất nhút nhát. Ngay cả những em học khá nhất thì mỗi tiết thao giảng hay có khách tới thăm cũng đều không dám nói chuyện, không dám phát biểu bài. Nhờ dạy học theo mô hình VNEN đã tạo được những thay đổi tích cực...
Đánh giá chung về những kết quả đạt được sau một thời gian triển khai mô hình VNEN tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Nhượng, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tuy chưa có những con số cụ thể về chất lượng giáo dục của học kỳ I, nhưng qua khảo sát tại các trường tham gia mô hình VNEN đang phát huy hiệu quả rất tốt, học sinh đã có những chuyển biến tích cực. Môi trường lớp học thân thiện, khoảng cách giữa học sinh được rút ngắn, các em có nhiều cơ hội được chia sẻ, trao đổi giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Đặc biệt, học sinh ở vùng nông thôn, miền núi tự tin, chủ động hơn trong học tập và yêu thích cách dạy học mới này–đây cũng chính là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Những chuyển biến trên là kết quả đáng mừng và cũng là bằng chứng khẳng định tính tích cực mà mô hình VNEN đem lại, là kết quả của quá trình nỗ lực, cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ, các trường và các giáo viên trực tiếp tham gia dự án. Điểm nổi bật của mô hình VNEN là thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân của học sinh; chuyển việc truyền thụ của giáo viên thành việc hướng dẫn học sinh tự học. Lớp học do học sinh tự quản và được tổ chức theo các hình thức: làm việc theo cặp, làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm, trong đó hình thức học theo nhóm là chủ yếu. Năm học 2012-2013, VNEN áp dụng đối với học sinh 2 khối lớp 2 và 3. Yêu cầu đối tượng này ít nhất phải đọc hiểu thông thạo tiếng Việt.
Những yêu cầu của dự án cũng là những trở ngại của các trường, đặc biệt là với những trường học ở vùng nông thôn, miền núi. Không ít phụ huynh và giáo viên còn lo ngại phương pháp học mới này sẽ làm tăng khoảng cách giữa các đối tượng học sinh khá, giỏi và yếu, kém; khiến các em vốn nhút nhát và học yếu càng thêm tự ti. Để khắc phục điều này, các giáo viên đứng lớp đã phải chủ động, linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp. Tất cả các thầy, cô giáo tham gia dạy học theo mô hình VNEN khi được hỏi đều khẳng định rằng: không thể ngay lập tức áp dụng phương pháp dạy học mới, để mặc cho học sinh tự học, tự quản mà giáo viên phải có những phương pháp giúp các em làm quen dần. Đầu tiên, phải thu hút được học sinh, khơi dậy trong các em sự hứng thú, niềm đam mê bằng cách chia và đặt tên nhóm, trang trí lớp học, xây dựng các biểu đồ, nội dung thi đua; giáo viên phải hiểu rõ được trình độ, thậm chí là tính cách của mỗi học sinh và quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho những học sinh yếu, kém.
Một khó khăn nữa mà các trường tiểu học tham gia dự án VNEN đang gặp phải là vấn đề kinh phí để đầu tư mua sắm thiết bị và đồ dùng dạy học. Vì chưa nhận được sự hỗ trợ từ dự án nên hầu hết các trường, các giáo viên phải tự bỏ tiền để mua sắm. Đồng chí Nguyễn Văn Nhượng, cho biết thêm: Đến cuối tháng 1-2013, các nguồn kinh phí dự án hỗ trợ cho các trường sẽ được chuyển về. Thời gian tới, sở cũng sẽ tăng cường công tác khảo sát, tổ chức các hội thảo học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường để kịp thời khắc phục những khó khăn, phát huy hiệu quả tích cực mà mô hình VNEN đem lại.
Bích Thủy