Không giống với các điểm đảo chìm khác, Núi Le có một khu nhà tiếp dân với các trang-thiết bị cơ bản đủ phục vụ nhu cầu lưu trú của ngư dân khi gặp sự cố trên biển. Hình ảnh cây cầu bê-tông nhỏ nối liền khu nhà tiếp dân với khu nhà quân sự trên mỏm đá giữa trùng khơi sóng biếc khiến nhiều người xúc động. Đó không chỉ là sự kết nối thắm tình quân dân mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đảo chìm Núi Le có nhà tiếp dân cho ngư dân lưu trú khi gặp sự cố trên biển.
Vừa đặt chân lên đảo, chiến sĩ trẻ Nguyễn Tùng Định đưa mắt quan sát, ngắm nhìn khắp lượt khu nhà kiên cố trên đảo nhỏ, nơi sẽ là “nhà” của mình trong một năm tới. Bằng chất giọng đặc trưng Quảng Bình, em nhanh nhẩu: “Nhà mới đẹp hơn trong tưởng tượng của em rồi. Em phải đi một vòng cho quen chân, quen tay đã.”
Cuộc sống vắng bóng tán cây xanh, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên đảo chìm nâng niu, chăm sóc từng luống rau. Với các anh, việc duy trì và phát triển vườn rau đã trở thành niềm vui, niềm tự hào chung của đơn vị. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và nhân dân cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đảo xa đã được cải thiện đáng kể.
Dẫn đoàn công tác tham quan tủ sách của đơn vị, Đại úy Tiêu Quang Hợp, Chính trị viên đảo Núi Le cho biết: Ngoài các đầu sách được cấp theo quy định, chúng tôi còn được nhân dân khắp cả nước tặng sách, báo ở nhiều thể loại khác nhau. Các cán bộ, chiến sĩ khi ra đảo nhận nhiệm vụ cũng thường mang theo một ít sách. Nhờ vậy, “gia tài” sách của đơn vị ngày một nhiều thêm, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của anh em. Ngoài ra, cũng như những điểm đảo khác, Núi Le hôm nay đã có đầy đủ các trang-thiết bị như ti-vi, dàn karaoke, hệ thống năng lượng sạch,…
Làm nhiệm vụ trên đảo đã 18 tháng, lại phụ trách bộ phận xuồng máy, Trung úy Đàm Thanh Tuấn gần như đã thuộc lòng từng hòn đá mồ côi, từng nhịp lên xuống của con nước thuận nghịch. Mái tóc vàng hoe màu nắng bay trong gió biển, anh tâm sự: Nhiệm vụ của anh em ở đây tuy nhiều khó khăn nhưng tình cảm của nhân dân cả nước dành cho quân dân Trường Sa còn lớn hơn những khó khăn gấp nhiều lần. Tình cảm càng nhiều thì tinh thần trách nhiệm phải càng cao. Ngoài sự động viên của đồng đội, gia đình, nhân dân cả nước, bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa cũng luôn tự động viên mình, coi đây là nhiệm vụ, là niềm tự hào không phải ai cũng có được.
Trước sóng gió Biển Đông, lá cờ đỏ sao vàng vẫn hiên ngang tung bay rực rỡ trên bầu trời xanh, biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
...15 giờ 45, thủy triều sắp xuống, chúng tôi phải tranh thủ lúc mực nước còn cao để rời đảo. Hơn một giờ đồng hồ trên đảo nhỏ đã để lại nhiều tình cảm đặc biệt trong mỗi người. Những nụ cười rạng rỡ tiễn chúng tôi xuống xuồng máy, con sóng nhấp nhô kéo xuồng dần ra xa. Nơi những cánh tay vẫy chào, ý chí và sự kiên cường đã vượt lên trên bao con sóng, bám trụ nơi biển trời Tổ quốc thân yêu.
Bảo Bình
(Gửi về từ Trường Sa)