Cán bộ, chiến sĩ chụp ảnh kỷ niệm trước lúc rời đảo.
Sinh Tồn Đông là đảo nổi nằm cách đảo Sinh Tồn hơn 10 hải lý về phía Đông. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo sống hòa đồng, gắn bó với nhau như một gia đình. Ở đó, tình đồng đội đã thay thế và bao trùm lên rất nhiều tình cảm khác. Ngoài những lúc thực hiện nhiệm vụ, các anh cùng nhau tăng gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi heo, gà. Đó cũng chính là khoảng thời gian các anh thêm hiểu nhau hơn. Những câu chuyện về gia đình, về quê hương từ khắp các vùng, miền đất nước được sẻ chia, phần nào làm vơi bớt nỗi nhớ đất liền.
Trong số đông các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang quấn quít, siết chặt tay nhau dưới nắng sớm Trường Sa, tôi bắt gặp đôi mắt đỏ hoe của chiến sĩ Lê Quang Bình, một người con của quê hương Ninh Thuận nắng, gió. Em tâm sự: Trong đơn vị có 3 thầy trò là Thiếu tá Hoàng Văn Ánh, em và một bạn nữa là Phan Văn Minh hợp thành bộ ba Ánh – Bình – Minh. Thầy như người cha của 2 đứa em. Hôm nay, thầy Ánh rời đảo để nhận nhiệm vụ mới, còn bạn Minh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất liền trong dịp này luôn…” Người sĩ quan đầu đã điểm bạc cứ cầm tay cậu “học trò”, dặn dò đủ điều. Tiếng gió thổi qua hàng phi lao xào xạc, hòa với tiếng sóng vỗ bờ dịu dàng như một bản nhạc.
Chiến sĩ trẻ Lý Văn Đạt, quê ở Phước Dinh (Thuận Nam) vừa lên đảo nhận nhiệm vụ chưa được một ngày đã tươi cười khoe: Em được xếp ở cùng một anh người Ninh Thuận mình luôn. Thêm em nữa là trên đảo hiện giờ có 3 người Ninh Thuận.
Tranh thủ trước lúc rời đảo, các cán bộ, chiến sĩ cùng chụp chung những tấm ảnh để làm kỷ niệm. Những nụ cười vô tư nơi đảo xa như xóa đi mọi ranh giới, khoảng cách, kéo mọi người lại gần nhau hơn. Chiến sĩ Phan Văn Minh xúc động: Lần này về không biết có dịp nào nữa trở ra thăm đảo. Chưa đi mà mấy hôm nay em đã thấy nhớ đảo, nhớ anh em. Ở đây một năm, biết bao kỷ niệm, biết bao tình cảm gắn bó, không nhớ sao được.
Không riêng Sinh Tồn Đông mà ở tất cả các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các anh em cán bộ, chiến sĩ Hải quân đều yêu thương, gắn bó như anh em ruột thịt. Chiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, quê ở Lệ Thủy (Quảng Bình) vừa nhận nhiệm vụ trên đảo chìm Len Đao bộc bạch: Lần đầu tiên em ra đảo, mà lại là đảo chìm, nhiều bỡ ngỡ lắm nhưng những anh em đi trước kể rất nhiều về đảo và cuộc sống ở đảo. Em nghĩ, mình sẽ quen nhanh thôi. Đã một năm gắn bó với Len Đao, chiến sĩ Trần Thanh Ấu, quê ở Tri Hải (Ninh Hải) đặt bàn tay rám nắng lên vai bạn động viên: Chiến sĩ trên đảo rất được các anh, các chú quan tâm, vì nhỏ tuổi nhất nên được thương nhiều nhất. Thương càng nhiều thì phải càng cố gắng nhé!
“Ta là chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Giữa bão tố phong ba, đảo vẫn là nhà… Trong tim ấm mãi tình thương, biển cả là quê hương”, những câu hát trong bài “Hành khúc chiến sĩ Trường Sa” âm vang mãi giữa trùng khơi sóng biếc.
Bảo Bình
(Gửi về từ Trường Sa)