Nhật ký hải trình “Trường Sa thân yêu” : Sinh Tồn tươi xinh

Trường Sa, ngày 5-1-2013

5 giờ

(NTO) Khi cơn giông vẫn chưa ngớt, ánh đèn của xã đảo Sinh Tồn xuất hiện xa xa làm ấm lòng những người trên tàu HQ 561- KH01. Gió mạnh cộng với mưa giông do ảnh hưởng bão số 1 khiến chúng tôi không thể vào bờ như kế hoạch ban đầu mà phải neo tàu chờ.

Đảo nổi Sinh Tồn.

Nhìn từ xa, đảo Sinh Tồn như một thành phố nhỏ giữa biển Đông với mái ngói đỏ xen lẫn những tán cây xanh rì. Ban đêm, đảo lấp lánh ánh đèn. Hơn một ngày neo tàu, không ít người sốt ruột, nóng lòng muốn được đặt chân lên hòn đảo thơ mộng như một phép màu giữa đại dương xanh thẳm.

9 giờ 30 phút

Ngay khi cơn mưa sớm vừa dứt, gió bớt phần dữ dội, chúng tôi được đặt chân lên đảo Sinh Tồn, vẫn chưa hết cảm giác lắc lư do say sóng. Quanh đảo là một thềm san hô, nước xanh màu ngọc bích, lấp lánh và trong veo. Một chiến sĩ phất cờ hiệu cười rạng rỡ la lớn: “Em là Núi, là người Ninh Thuận đây chị ơi!” Giữa sóng gió biển Đông, tình đồng hương trở nên ấm áp lạ lùng. Làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn có hai chiến sĩ đều quê ở phường Văn Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, là Trần Quốc Huy và Lê Văn Núi.

Dẫn chúng tôi vào thăm đảo, Núi hỏi thăm: “Em gọi điện về nhà, ba mẹ nói đường Nguyễn Thị Minh Khai đã mở rộng hơn rồi hả chị? Bệnh viện mới đẹp lắm hả chị? Đường ven biển làm sắp xong chưa chị?” Tôi thương em quá: “Ninh Thuận mình nhiều đổi thay lắm em à!. Đẹp hơn, phát triển hơn nhiều.” Cả Huy và Núi đều đã hoàn thành nhiệm vụ nơi đảo xa, sẽ cùng về đất liền với đoàn công tác.

Cùng lên đảo còn có một chiến sĩ trẻ người Ninh Thuận là Nguyễn Thanh Tú, nhà ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Em sẽ nhận nhiệm vụ ở đảo trong 1 năm. Gặp đồng hương, bốn chị em cứ quấn quýt, líu lo không ngừng, cùng dạo quanh khắp đảo.

Vừa lên đảo nhận nhiệm vụ, chiến sĩ Nguyễn Thanh Tú (giữa) đã hòa đồng,
bắt nhịp với đồng đội.

Đảo Sinh Tồn xanh. Cây xanh phủ gần như kín khắp đảo nhỏ. Từ những cây lớn như phong ba, tra, bàng, bàng vuông, phi lao, bồ đề, đến những cây đu đủ, ớt, các loại rau, hoa, cây cảnh,… tất cả đều xanh mướt, đầy sức sống.

Mặc dù đảo nhỏ, dân ít nhưng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động dân sinh như trường học, nhà văn hóa,… cơ bản đảm bảo đầy đủ như trong đất liền. Chị Trần Thị Ngọc Quý, một công dân trên đảo cho biết: Tôi sống ở đảo đã 5 năm nay. Lúc đầu cũng thấy lạ, nhớ đất liền nhưng có cả chồng con cùng ở trên đảo cũng hạnh phúc lắm. Anh em cán bộ chiến sĩ hòa đồng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau nên cũng dần quen, gắn bó.

Chủ động tăng gia sản xuất tạo nguồn thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu hằng ngày, ngoài các loại rau xanh, quân và dân đảo Sinh Tồn còn chăn nuôi heo, gà, vịt, ngan,… Dưới ánh nắng chiều yếu ớt, hai chú mèo lười ngái ngủ ngước nhìn chúng tôi, trong khi các chú chó cứ chạy lăng xăng, hớn hở. Mồ hôi nhễ nhại sau trận bóng chuyền, Thiếu úy Lý Tự Trọng vẫn không quên cho mấy chú gà con ăn chiều. Anh dí dỏm: “Chúng nó cũng quen hơi đấy, thấy mình tới là “tập trung điểm danh” ngay lập tức”.

6 giờ, ngày 6-1-2013

Trước khi rời đảo, chúng tôi ghé ngôi chùa nhỏ trên đảo, chào sư thầy Thích Minh Huy. Đây là ngôi chùa thứ 3 trên quần đảo Trường Sa. Tình nguyện ra làm trụ trì chùa mới gần 2 tháng, sư thầy đã nhanh chóng bắt nhịp với nếp sống, nếp sinh hoạt của đảo xa. Thầy từ tốn: “Tôi ra đây trước là để trả ơn đất nước, sau là để nơi biển trời Tổ quốc có bóng chư tăng, mang tiếng kinh kệ làm ấm lòng người, cầu bình an cho quân dân, cho Tổ quốc”.

Rời đảo khi cơn mưa sáng còn lất phất, trong lời chúc “Chân cứng, đá mềm” gửi người ở lại chất chứa bao yêu thương, tin tưởng xen lẫn tự hào. Trường Sa đẹp và ấm, là mái nhà xinh nơi phương trời phía Đông Tổ quốc.

(Gửi về từ Trường Sa)