Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Công ước của Liên Hợp Quốc
về Luật Biển năm 1982
Báo cáo khẳng định sự ra đời của UNCLOS đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một chuẩn mực pháp lý quốc tế công bằng mang tính toàn cầu đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.
Từ khi có hiệu lực (ngày 16/11/1994), UNCLOS đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để điều phối các vấn đề liên quan đến biển, một công cụ pháp lý quan trọng để giải quyết, xử lý các tranh chấp biển và được coi là “Hiến pháp của đại dương”.
Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài trên 3.260 km, Việt Nam có nhiều lợi ích lớn gắn liền với biển, tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng và thực thi UNCLOS; luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực vào việc thực hiện Công ước.
Xây dựng hệ thống pháp luật hài hòa với UNCLOS
Trước khi UNCLOS ra đời, Việt Nam đã tích cực vận dụng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế để xây dựng các văn bản pháp quy về biển. Căn cứ vào xu thế phát triển tiến bộ của luật biển quốc tế, năm 1977, Việt Nam ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam” xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, cho phép mở rộng quyền của Việt Nam ra biển, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác.
Với Tuyên bố này, Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong trong việc đưa khái niệm “vùng đặc quyền kinh tế” trở thành khái niệm có giá trị tập quán và sau này trở thành một nội dung quan trọng UNCLOS.
Ngay sau khi UNCLOS được thông qua, ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia tham gia ký Công ước. Trước khi Công ước có hiệu lực, ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này.
Nghị quyết phê chuẩn khẳng định chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của UNCLOS và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế; yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. Nghị quyết khẳng định chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định bởi những nguyên tắc của UNCLOS.
Vận dụng các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường pháp lý cho công tác quản lý biển và các hoạt động kinh tế biển, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam, gồm 7 chương với 55 điều, đề cập đến các nguyên tắc quản lý và sử dụng biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.
Căn cứ vào các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã và đang tiến hành quản lý có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình phục vụ phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ những lợi ích hợp pháp của các đối tác nước ngoài trong hợp tác kinh tế, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển phù hợp với các quy định của UNCLOS. Việt Nam cũng đã chủ động và hợp tác cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và triển khai các biện pháp phòng chống tội phạm trên biển, nhất là cướp biển, góp phần thực hiện đầy đủ các quy định của UNCLOS.
Việt Nam cũng là quốc gia đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến liên quan khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương, liên quan đến bảo vệ môi trường biển, chống nước biển dâng cao.
Tôn trọng và thực hiện đầy đủ UNCLOS
Với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý.
Mặt khác, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Theo đó, khi bàn về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông. Với nỗ lực của Việt Nam, nội dung “căn cứ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp tại Biển Đông” đã được đưa vào vào Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký ngày 11/10/2011. Điều đó cho thấy Việt Nam không chỉ chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước Luật Biển 1982 mà còn luôn có ý thức thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ các nội dung của Công ước.
Căn cứ vào khuyến nghị trong Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS, Việt Nam luôn sẵn sàng cùng các bên hữu quan tiến hành hợp tác cùng phát triển ở những khu vực thực sự có tranh chấp, phù hợp với các quy định của UNCLOS.
Thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS, sau gần 3 năm nỗ lực (từ 2007 đến 2009), Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa bảo đảm chất lượng, xác định một cách có cơ sở khoa học và pháp lý phạm vi thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở Biển Đông theo đúng tiêu chuẩn, quy định của Ủy ban Thềm lục địa Liên Hợp Quốc. Việc làm này khẳng định rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi UNCLOS.
Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo UNCLOS ; tham gia xây dựng nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên quan đến biển như Công ước quốc tế về Tổ chức Vệ tinh Hàng hải (INMARSAT), Hệ thống An toàn và Cứu nạn Hàng hải Toàn cầu (GMDSS)..., đồng thời đã lập hệ thống đài thông tin duyên hải đáp ứng thông tin liên lạc giữa các tàu và giữa các tàu với bờ.
Việc Việt Nam tham gia các văn kiện pháp lý liên quan đến biển của khu vực và quốc tế thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi đầy đủ những nội dung của UNCLOS.
Là một quốc gia gắn liền với biển, Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện UNCLOS. Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng, nếu các quốc gia ven biển đều thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ được quy định bởi UNCLOS thì nhân loại không những sẽ tránh được những căng thẳng, xung đột trên biển mà sẽ có điều kiện tốt hơn để khai thác biển và đại dương phục vụ lợi ích con người.
Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hành động theo mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của UNCLOS; đồng thời yêu cầu, kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ nghĩa vụ này.
Nguồn Chinhphu.vn