Ảnh: VGP/Lưu Hương
Hội thảo diễn ra trong vòng 2 ngày 12 và 13/12 tại TP Đà Nẵng do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức với Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam, với gần 60 báo cáo khoa học, nghiên cứu chuyên sâu, mang tính thời sự cao.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học trình bày quan điểm và công bố những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua, tập trung làm rõ vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, văn hóa, góp phần củng cố chủ quyền biên giới biển đảo của đất nước và tăng khả năng hợp tác, xử lý các vấn đề liên quan đến biển Đông trong thời gian tới.
Các tham luận tập trung vào 4 nội dung: Vị trí chiến lược của Biển Đông về chính trị, quân sự và kinh tế đối với Việt Nam, Đông Nam Á và các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lịch sử; Tiềm năng kinh tế biển, năng lực khai thác biển, quan hệ giao thương của người Việt Nam trong lịch sử; Biển Đông trong quan hệ hợp tác đảm bảo an ninh, khai thác và phát triển nguồn lợi kinh tế biển đối với sự phát triển của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực hiện tại và tương lai; Cơ sở pháp lý quốc tế, lịch sử xác lập và thực hiện chủ quyền biển đảo của các quốc gia trong khu vực.
Trong đó, những tham luận có ý nghĩa lớn như: Khai thác biển của người Việt trong thế kỷ XIX; Nhà Nguyễn với việc bảo vệ chủ quyền, khai thác nguồn lợi đối với biển đảo Việt Nam; Cơ sở lịch sử khẳng định quá trình xác lập và thực hiện chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa; Chủ quyền Việt Nam qua tư liệu quốc tế….
Bên cạnh đó, Hội thảo có nhiều tham luận về thực trạng và triển vọng hợp tác ở Biển Đông như Vai trò của ASEAN trong việc ngăn chặn xung đột tại Biển Đông...
Với hướng tiếp cận liên ngành, các tham luận khoa học cung cấp thêm tư liệu lịch sử, văn hoá làm rõ vị trí địa lý, kinh tế, cơ sở pháp lý cho các quan hệ giữa các nước trong khu vực và thế giới.
PGS.TS Phạm Quang Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh: “Với trách nhiệm của giới nghiên cứu, ngoài công bố tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý, chúng tôi đưa ra kiến nghị, giải pháp góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, gắn với sự phát triển hòa bình và hợp tác trong khu vực".
Nguồn Chinhphu.vn