Theo đó, đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp 52-54% tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh, 55-60% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế biển theo giá trị sản xuất: Thủy sản 40%, công nghiệp ven biển 44-46% và du lịch biển 16-18%. Tạo việc làm cho 100.000 lao động, giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển.
Hệ thống giao thông phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội vùng ven biển huyện Thuận Nam
Ảnh: Sơn Ngọc
Định hướng phát triển KT-XH vùng biển và ven biển của tỉnh đến năm 2020 xác định phát triển các ngành, lĩnh vực sau: Phát triển kinh tế hàng hải là khâu trọng tâm (cảng Dốc Hầm để thực hiện nhiệm vụ xuất nhập khẩu hàng hóa; cảng hàng hóa Ninh Chử phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; cảng biển chuyên dụng phục vụ phát triển du lịch ở các Khu du lịch Bình Tiên – Vĩnh Hy, Bình Sơn – Ninh Chử). Phát triển công nghiệp gắn với thế mạnh của biển (quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, lấp đầy các khu công nghiệp hiện có để thu hút các dự án đầu tư về sản xuất thép, chế biến hải sản, sản xuất động cơ, sơn, hóa chất gắn với phát triển khu dân cư, khu du lịch, dịch vụ; phát triển công nghiệp năng lượng; phát triển dự án muối Quán Thẻ, thu hút phát triển sản phẩm sau muối; tiến hành thăm dò dầu khí, khoáng sản…). Phát triển kinh tế thủy sản đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ, trọng tâm là hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lấy 2 trung tâm dịch vụ là Ninh Chử và Cà Ná làm động lực cho phát triển chế biến, phát triển nuôi trồng theo định hướng đi sau phát triển khâu giống và hình thành sản phẩm chủ lực của kinh tế thủy sản là muối và hóa chất sau muối. Phát triển du lịch biển với quan điểm: phát triển du lịch biển để xây dựng du lịch Ninh Thuận thành một trong những khu du lịch trọng điểm của cả nước, lấy 2 khu du lịch Bình Tiên và Mũi Dinh làm động lực để phát triển và xây dựng thương hiệu cho du lịch Ninh Thuận gắn với các cảng du lịch. Bên cạnh đó là phát triển kết cấu hạ tầng vùng ven biển thông qua đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, cảng biển phù hợp với quy hoạch của cả nước, xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông ven biển và hạ tầng thiết yếu để sắp xếp lại các khu dân cư ven biển. Các dự án, quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, bảo vệ toàn vẹn quyền lãnh thổ Việt Nam, kiểm soát được tài nguyên – môi trường biển, ứng phó tốt với các sự cố môi trường, bảo vệ tốt đa dạng sinh học bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương.
Với các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế vùng biển và ven biển của quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020 đã góp phần giúp cho tỉnh xác định các nhiệm vụ phát triển KT-XH theo không gian vùng, lãnh thổ trong những năm tới. Tạo điều kiện cho các ngành, các cấp của tỉnh có được cơ sở pháp lý, khoa học quan trọng cho việc triển khai các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, tập trung có trọng tâm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện quy hoạch phát triển KT-XH theo không gian vùng, lãnh thổ của tỉnh một cách bền vững; tránh tình trạng quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng tài nguyên bị trùng lắp giữa các ngành dẫn đến tình trạng xuống cấp, cạn kiệt tài nguyên hoặc sự bất cập trong sử dụng đa mục tiêu làm nảy sinh mâu thuẫn giữa những người sử dụng. Một công tác vô cùng cần thiết mà nhà quản lý cần quan tâm thực hiện đó là, thực hiện xây dựng kế hoạch phân vùng sử dụng không gian đới bờ theo chức năng cho cấp tỉnh.
Phân vùng sử dụng không gian đới bờ là phân chia một vùng lãnh thổ (phần diện tích bao gồm vùng biển ven bờ, dải đất ven biển, nơi chịu tác động qua lại giữa biển và đất liền) theo những đặc điểm nhất định để có định hướng phát triển kinh tế hợp lý.
Thực tế ở tỉnh ta, việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch sử dụng đất vẫn chưa chú trọng đến phân vùng sử dụng không gian biển (bao gồm: không gian mặt nước biển, khối nước biển, bề mặt đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và bản thân nước biển …). Hiện nay, quy hoạch của chúng ta mới chú trọng việc phân vùng sử dụng đất liền. Trong khi đó, quy hoạch phát triển của các ngành liên quan đến sử dụng tài nguyên biển thì được thực hiện một cách đơn lẻ, thiếu sự đồng nhất, dẫn đến tình trạng chồng chéo, bất cập.
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam: Quy hoạch không gian biển tiến hành dựa trên nguyên tắc quản lý dựa vào hệ sinh thái và quản lý thích ứng, linh hoạt và có thể định kỳ điều chỉnh. Lấy hệ sinh thái làm nền tảng cho tính bền vững, làm cơ sở cho sự phát triển dài lâu. Làm tốt quy hoạch không gian biển như vậy sẽ giúp các ngành, địa phương điều chỉnh lại quy hoạch phát triển KT-XH của ngành, địa phương mình cho phù hợp và bảo đảm phát triển bền vững biển, vùng ven biển và hải đảo; hài hòa lợi ích phát triển của các ngành, địa phương và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng các hệ thống tài nguyên biển.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng kế hoạch phân vùng sử dụng không gian đới bờ theo chức năng cho cấp tỉnh. Hy vọng, với cơ sở đó khi triển khai thực hiện chúng ta sẽ có nhiều khả năng sử dụng bền vững đới bờ theo chức năng, hài hòa lợi ích của các ngành, địa phương; đảm bảo các mục tiêu phát triển KT-XH theo hướng bền vững, thực hiện đạt hiệu quả quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020.
Đỗ Phước Vinh