Những lúc neo tàu mà trời hơi yên gió, không kể ngày hay đêm, các anh lại mang “đồ nghề” ra ngồi kín cả hai mạn tàu, thả dây câu với sự tập trung không kém khi làm nhiệm vụ. Mắc nhanh miếng mồi vào lưỡi câu sắc nhọn, một thuyền viên trên tàu cho biết: “Đầu tư cho bộ đồ nghề câu cá cũng phải gần cả triệu đồng. Nhưng cái thú này đã chơi là dễ ghiền lắm, nhất là khi kéo được con cá to, cảm giác sảng khoái và hào hứng vô cùng.”
Một con cá mắc câu là niềm vui chung của tất cả thợ câu trên tàu.
Biển Trường Sa nhiều cá. Từ những loại cá nhỏ như nục, nục đỏ, chuồn,… đến các loại cá lớn có giá trị kinh tế cao như mú, bè thu, ngừ,… đều trở nên hấp dẫn trong mắt người thợ câu. Thông thường, khi câu được con cá nhỏ, các anh sẽ dùng nó để làm mồi câu con cá to hơn. Không phải ngư dân nhưng cũng lênh đênh sóng nước Trường Sa nhiều năm, các anh bỗng trở nên “chuyên nghiệp”, nhiều kinh nghiệm trong chuyện cá nước. Khi có cá mắc câu, chỉ cảm nhận sức nặng nơi dây kéo và đường bơi lượn của cá, các anh có thể đoán được nó là con cá gì và nặng chừng bao nhiêu kí. Với những con cá to, khi kéo cá gần nổi trên mặt nước, các anh sẽ dùng một lưỡi móc sắc gắn vào cây sào để kéo cá lên, tránh trường hợp cá nặng quá làm đứt dây câu.
Trung úy Vũ Mạnh Hải hào hứng: “Câu cá cũng có nghệ thuật của nó chứ không đơn giản chỉ là mắc mồi, thả dây rồi kéo là được. Đặc biệt, khi kéo cá phải hết sức chú ý, nếu dây chùn thì mình kéo, dây căng thì mình nới lỏng ra, xử lý không khéo là đứt mất dây, mất cả lưỡi câu và cá như chơi.” Anh cho biết thêm, câu cá trên tàu thường mất nhiều thời gian nhưng bù lại cá câu được khá to, những con cá mú 60 – 70 kg là chuyện bình thường. Đôi khi, các anh còn câu được cả cá mập nặng 1 – 2 tạ. Trong khi đó, việc câu cá ở các rạng san hô xung quanh đảo khá đơn giản. Vì đa số các rạng san hô có mặt nước tĩnh, mực nước tương đối cạn nên các cán bộ, chiến sĩ hải quân thường trang bị kính lặn và ống thở đi “dạo”. Khi thấy cá thì đưa mồi ra, cá sẽ “chủ động” bơi đến đớp mồi và mắc câu. Tuy nhiên, cá câu được theo kiểu này thường chỉ nhỏ bằng bàn tay, chủ yếu để cải thiện bữa ăn hàng ngày của nhân dân và anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Anh Lý Trường Thịnh (Hãng phim truyền hình Bình Dương) lần đầu tiên được câu cá biển Trường Sa.
Lần đầu tiên đi công tác Trường Sa, cũng là lần đầu tiên được mục kích câu cá biển như thế nào, anh Lý Trường Thịnh (Hãng phim truyền hình Bình Dương) khoe: “Thấy mọi người câu cá thích quá, mình cũng mượn câu thử, vậy mà cũng được một con cá thiệt to.”
Là một trong những người “sát cá” có tiếng, Thiếu úy Vũ Ngọc Hoàng đưa hai tay thoan thoắt kéo cước, vẻ mặt chăm chú, điềm tĩnh như một ngư dân thực thụ. Anh cười hiền: “Không phải lúc nào cũng câu được cá, vì nó còn phụ thuộc vào thời điểm cũng như luồng cá, một chút tài nghệ và cả may mắn nữa. Câu được cá to hay cá nhỏ, nhiều hay ít không quan trọng, chủ yếu nó là thú vui những lúc nhàn rỗi. Cái cảm giác gần gũi với biển, hiểu được biển mới là điều quan trọng với người đi biển.”
Lúc câu cá, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam như những ngư dân thực thụ.
Biển đêm huyền hoặc và dịu êm. Vài chú cá chuồn bay tung tăng trên mặt nước. Trong ánh đèn “nhử” cá lấp loáng những sợi cước kéo căng trên từng con sóng nhỏ. Tiếng cười nói râm ran trên mạn tàu khiến đêm Trường Sa trở nên gần gũi, ấm áp. Trên trời, ngàn vì sao lấp lánh.
Bảo Bình.