Trong 4 năm qua, mặc dù hoạt động của các doanh nghiệp có những khó khăn nhất định, nhưng Đảng ủy khối Doanh nghiệp xác định đúng vai trò quan trọng của việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, kết hợp với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp, các tổ chức Đảng đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư.
Chế biến nhân hạt điều xuất khẩu tại Công ty CP Xuất khẩu Nông sản tỉnh.
Ảnh: Văn Miên
Các cấp ủy Đảng xem đây là điều kiện để cán bộ, đảng viên và người lao động yên tâm, phấn khởi và hăng say lao động, tiếp tục phấn đấu hơn nữa, góp phần cho doanh nghiệp luôn hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra. Doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp trong khối tăng từ 5 – 10%; bình quân thu nhập của người lao động từ 2,4 triệu đồng năm 2008 lên 4,8 triệu đồng năm 2012 (tăng 200%); thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách từ 79,4 tỷ đồng năm 2008 lên hơn 133 tỷ đồng năm 2012 (tăng 167%).
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, Đảng ủy khối xác định nội dung trọng tâm, quyết định hiệu quả là xây dựng tổ chức Công đoàn (người đại diện hợp pháp của người lao động) thật sự vững mạnh. Làm tốt chức năng vừa là người đại diện, vừa là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động hàng năm đúng theo quy định. Vai trò giám sát của Công đoàn và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân có sự chuyển biến tiến bộ, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và người lao động phát huy quyền làm chủ; thông tin kịp thời một số chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chế độ, chính sách của người lao động.
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Miên
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 22 vẫn còn một số tồn tại hạn chế: Một số cấp ủy Đảng chưa thấy hết tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp còn lúng túng trong việc đề ra các biện pháp lãnh đạo thực hiện. Chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp tư nhân đạt kết quả chưa cao. Việc thành lập các tổ chức đảng và đoàn thể ở các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động còn nhiều mặt hạn chế.
Để tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, Đảng ủy khối Doanh nghiệp tiếp tục xác định, trước hết là phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người lao động, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 22 của Ban Bí thư. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên theo hướng sát với đoàn viên, với doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức đoàn thể vững mạnh toàn diện, đúng tính chất chính trị và tính chất xã hội của tổ chức đoàn thể. Tăng cường công tác vận động thành lập Công đoàn, Đoàn thanh niên cơ sở, phát triển đoàn viên ở các doanh nghiệp có đủ điều kiện và định kỳ tổ chức việc đối thoại với giám đốc, chủ doanh nghiệp. Tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động, như: bảo đảm việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời giải quyết tranh chấp lao động, đảm bảo hài hoà lợi ích của người lao động và chủ doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy đảng, đảng viên, giám đốc, chủ doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, phổ biến đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống của người lao động. Quá trình Công đoàn điều tiết và ổn định quan hệ lao động phải trên cơ sở chấp hành pháp luật lao động của Nhà nước. Đây chính là yêu cầu của pháp luật đối với tổ chức Công đoàn trong việc điều hoà và ổn định quan hệ lao động, vừa là căn cứ pháp lý để Công đoàn dựa vào đó điều hoà và ổn định quan hệ lao động. Các cấp ủy đảng lãnh đạo việc xây dựng quan hệ lao động cũng phải dựa trên những quy định của pháp luật. Với những giải pháp nói trên, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Phạm Văn Lâm