Khảo sát một vòng tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà và một số chợ đầu mối trên địa bàn thành phố như chợ Phan Rang, chợ Thanh Sơn, chợ Tháp Chàm, cùng một số chợ lớn của các huyện và các quầy tạp hóa ở khu vực nông thôn, điều dễ dàng nhận thấy là hàng hóa rất đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại, nhưng chiếm tới 80% là hàng Việt.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại xã Cà Ná,
huyện Thuận Nam. Ảnh: Thanh Long
Hiện nay các cơ quan, đơn vị khi trang bị, mua sắm tài sản công đã ưu tiên chọn lựa những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, còn người tiêu dùng bắt đầu có sự đắn đo, so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt với hàng ngoại nhập để mua sắm phù hợp với túi tiền; tâm lý “sính ngoại” đã không còn là mốt, thể hiện sự đẳng cấp của nhiều người tiêu dùng như trước đây.
Có được thành quả này, điều đầu tiên phải kể đến là sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các cơ quan báo chí với công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và việc quảng bá của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Lựa chọn hàng hóa tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn
tại thôn Ninh Quý 2 (Phước Sơn - Ninh Phước).
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQVN tỉnh, cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh ta thực hiên triển khai cuộc vận động (2009 - 2012), đa số người dân sinh sống trên địa bàn nông thôn tỉnh đều mua sắm và sử dụng hàng hóa Việt Nam. Kết quả đó khẳng định cuộc vận động đã có tác động sâu rộng tới đời sống xã hội, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt và phát triển thị trường nội địa. Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn xây dựng các chương trình truyền thông về cuộc vận động. Trong đó, tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm do các đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, như lương thực, thực phẩm, hàng dệt may, đồ điện dân dụng..
Nằm trong chuỗi các sự kiện về đẩy mạnh quảng bá thương hiệu hàng Việt, kích cầu thương mại, năm 2012, Sở Công Thương phối hợp với các ban, ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh đã tổ chức thành công 2 Hội chợ cấp tỉnh: Hội chợ - Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 20 năm - một chặng đường và Hội chợ triển lãm Nông nghiệp, Nông thôn gắn với Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ III, năm 2012 tại tỉnh Ninh Thuận. 4 hội chợ cấp huyện: Hội chợ Thương mại và hàng tiêu dùng Ninh Hải 2012; Hội chợ Thương mại Ninh Sơn 2012; Hội chợ Thương mại “Tuần lễ mua sắm Phan Rang – Tháp Chàm 2012»; Hội chợ Thương mại “Tuần lễ mua sắm Nhơn Hải, Ninh Hải 2012”. Ngoài việc triển khai ở trung tâm thành phố, các huyện, thị trấn, tiêu biểu cho hoạt động này là các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn giá, một trong những dấu ấn rõ nét của cuộc vận động này đã được thể hiện qua 2 phiên chợ hàng Việt về miền núi thuộc chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia tại Thuận Bắc và Bác Ái với sự tham gia của một số DN thương mại, các cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh, đạt doanh số hơn 400 triệu. Đồng thời, thực hiện chương trình bình ổn giá, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, năm qua các DN đã tổ chức đưa 41 đợt hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Điều đó, thực sự đã để lại dấu ấn tốt đẹp đối với bà con nông thôn về các sản phẩm hàng hóa, giá và nhiều chương trình khuyến mãi kèm theo. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm nhiều hơn đã kéo theo doanh thu của các loại hàng Việt Nam qua từng phiên chợ, chuyến hàng cũng tăng dần.
Ông Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, cho biết: Năm 2012, đơn vị đã tham gia 25 đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Thông qua các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, DN nhận thấy, người tiêu dùng có chiều hướng tăng sử dụng hàng nội đối với một số mặt hàng mà trước đây hàng ngoại lấn át như đồ gia dụng, sữa... đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam được chọn mua gần như tuyệt đối ở mặt hàng thực phẩm chế biến...
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh đã và đang được quan tâm thực hiện. UBND tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ một số sản phẩm chính sản xuất trên địa bàn tỉnh như: xi măng, nước yến, đường…Một số sản phẩm lợi thế của địa phương bắt đầu xây dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước chấp nhận như: Rau an toàn Văn Hải, DNTN rau an toàn Hai Phước; trứng gia cầm Huệ Hải, Năm Kiên; bún tươi Sáu Nghĩa; táo, nho..… của các nhà vườn; cho đến các mặt hàng đặc sản quê hương như: mủ trôm, mứt nho, rượu vang, mật nho, tỏi chùm Mỹ Tường…cũng đã được phân phối trên các hệ thống Co.op Mart trong cả nước.
Ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, với đặc thù của một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, thì việc tiếp tục những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là điều cần thiết. Để hàng hóa Việt trở thành ưu tiên trong nếp nghĩ của người tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm do các đơn vị, DN của Việt Nam sản xuất, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống người dân; hỗ trợ DN bằng những công việc cụ thể về đầu tư, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ DN trong tỉnh tham gia các hội chợ triển lãm tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước để có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và phát triển thị trường, tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa; đồng thời sẽ tiếp tục tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa vào dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Hàn Dạ Nguyệt