Dư luận cho rằng ứng cử viên Pắc Cưn Hi có lợi thế hơn khi là nghị sĩ quốc hội 5 khóa liên tiếp và từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban đối phó khẩn cấp của đảng Sanuri trước khi chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống duy nhất của đảng này. Ngoài ra, việc bà Pắc Cưn Hi là con gái cố Tổng thống Pắc Chung Hi (Park Chung-hee) cũng phần nào giúp gia tăng uy tín của bà. Cương lĩnh tranh cử của bà tập trung vào những vấn đề cơ bản gồm: thành lập một chính phủ năng động và khôi phục lòng tin của người dân thông qua cải cách chính trị, xây dựng một xã hội không có sự phân biệt đối xử, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn được coi là hạt nhân của nền kinh tế quốc gia, thực hiện kinh tế công bằng, đảm bảo động lực tăng trưởng thông qua mô hình kinh tế sáng tạo và tạo ra nhiều việc làm, hướng tới một nền giáo dục hạnh phúc, hệ thống phúc lợi đảm bảo các quyền của người dân, bảo đảm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.
Trong khi đó, ứng cử viên Mun Chê In của DUP được cho là yếu thế hơn khi chỉ là nghị sĩ quốc hội một khóa. Từng là Chủ tịch Quỹ Roh Moo-hyun, ông là người có khuynh hướng chính trị tiến bộ khi đưa ra cam kết cải cách bộ máy quyền lực, thực hiện một nền chính trị mà người dân làm chủ, tạo dựng một nền kinh tế vì con người thông qua cải cách, kiến tạo thêm nhiều việc làm, đảm bảo phúc lợi xã hội, không phân biệt giới tính, thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng và hợp tác kinh tế liên Triều hướng tới một kỷ nguyên hòa bình và phồn vinh trên bán đảo Triều Tiên.
Cho đến nay, hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy ứng cử viên của đảng cầm quyền Pắc Cưn Hi nhận được tỷ lệ ủng hộ cao hơn so với ứng cử viên Mun Chê In. Tuy nhiên, với tỷ lệ ủng hộ sít sao, DUP vẫn hy vọng ứng cử viên của họ có thể lật ngược thế cờ để giành chiến thắng vào ngày 19-12 tới, đặc biệt sau khi ứng cử viên Li Chung Hi (Lee Jung-Hee) của Đảng Tiến bộ Thống nhất (UPS) tuyên bố rút khỏi cuộc đua. Quyết định của bà Li Chung Hi được cho là sẽ có lợi cho ông Mun Chê In.
Sau các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa các ứng cử viên tổng thống, cả đảng cầm quyền và đảng đối lập đều nhận định ứng cử viên của mình đang chiếm lợi thế. Đảng cầm quyền cho rằng bà Pắc Cưn Hi có đủ điều kiện để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc khi thể hiện rõ năng lực điều hành đất nước với các chính sách cụ thể trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh và thống nhất đất nước. Trong khi đó, DUP cũng nhấn mạnh ứng cử viên Mun Chê In đã thể hiện được khả năng hành đất nước một cách ổn định dựa trên những kinh nghiệm đã có.
Qua các cuộc tranh luận, nhìn chung dư luận đều nhận định bà Pắc Cưn Hi chiếm ưu thế hơn so với ông Mun Chê In. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cuộc tranh luận chỉ đủ để tái xác định sự ủng hộ của các cử tri chứ chưa đủ để họ nghĩ đến việc thay đổi ứng cử viên mà họ ủng hộ.
Điều đáng nói là việc Triều Tiên bất ngờ phóng vệ tinh ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ tác động phần nào đến tâm lý của cử tri "xứ sở kim chi". Điều đó cũng có nghĩa là bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sắp tới cũng sẽ phải đối mặt với một vấn đề khó khăn liên quan tới quan hệ với Bình Nhưỡng. Hầu hết các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống cho biết họ sẽ tiến hành đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Châng Un nhằm chấm dứt mối quan hệ "băng giá" giữa hai miền dưới thời Tổng thống Li Miêng Pắc. Bà Pắc Cưn Hi chủ trương xây dựng "một nền chính trị dựa trên sự tin cậy" giữa hai miền Triền Tiên, vốn vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ sau cuộc xung đột năm 1950-1953, trong khi ông Mun Chê In cam kết thương lượng vô điều kiện với Triều Tiên và viện trợ cho Bình Nhưỡng.
Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ hứa hẹn nhiều bất ngờ cho đến phút chót. Hiện vẫn còn hơn 10%cử tri chưa quyết định ủng hộ ứng cử viên của đảng nào và đây chính là yếu tố quyết định sự thành bại của hai ứng cử viên nói trên.
Theo TTXVN