Ngăn ngừa biến chứng do đái tháo đường

Kiểm soát tốt đường huyết sẽ làm giảm các biến chứng do đái tháo đường gây nên. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng - một trong những tác giả của đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp quản lý, điều trị, chăm sóc và phòng chống bệnh đái tháo đường tại cộng đồng dân cư Hải Phòng” cho biết.

Theo bác sĩ Trần Hoài Nam, đái tháo đường là bệnh mãn tính, có yếu tố di truyền. Bệnh do tuỵ sản xuất thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả làm tăng lượng đường trong máu. Đường huyết tăng trong máu mạn tính dẫn đến tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thần kinh, tim và mạch máu. Bệnh nhân được chẩn đoán là đái tháo đường sau khi thử ít nhất 2 lần liên tiếp đường huyết lúc đói là 7,8mmol/l.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Có 4 dạng đái tháo đường. Đái tháo đường típ 1 do tuyến tuỵ không sản xuất ra insulin. Đái tháo đường típ 3 bao gồm những bệnh nhân đái tháo đường có nguyên nhân được xác định rõ ràng. Đái tháo đường típ 4 là ở phụ nữ mang thai. Tỉ lệ mắc đái tháo đường tip 2 do rối loạn bài tiết insulin ở tuyến tuỵ chiếm tỉ lệ cao nhất (85-90%). Các yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường típ 2 gồm: béo phì, nhất là béo bụng, hút thuốc lá, ít hoạt động thể lực, tổn thương gen...

Khi bị đái tháo đường, các biến chứng là nguy cơ chủ yếu đe doạ sức khoẻ, thậm chí gây tàn phế hoặc tử vong cho bệnh nhân. Các biến chứng thường gặp gồm: biến chứng ở thận (các mạch máu nhỏ ở thận dầy lên, chức năng thận dần dần bị ảnh hưởng); bệnh lý võng mạc ở mắt; biến chứng tổn thương ở các dây thần kinh ngoại vi (thay đổi cảm giác, tê bì châm chích hoặc yếu cơ). Các dấu hiệu này thường xảy ra ở bàn chân với các biến chứng như loét chân, có thể làm nhiễm trùng, hoại tử và phải cắt cụt chân; biến chứng ở bệnh lý mạch vành...

Một giải pháp để giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường là kiểm soát đường huyết tốt. Bác sĩ Trần Hoài Nam cho biết, một công trình nghiên cứu của nước ngoài cho thấy, nếu bệnh nhân được giám sát kiểm soát đường huyết chặt chẽ trong thời gian dài giúp làm giảm các biến chứng chung liên quan đến đái tháo đường là 12%, các biến chứng nhồi máu cơ tim trên 16%, biến chứng võng mạc giảm trên 24%.

Để điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, theo bác sĩ Trần Hoài Nam, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ, tránh điều trị không đều, không khám lại, tự dùng thuốc. Trong chế độ ăn cần hạn chế ăn thức ăn giàu tinh bột để tránh tăng đường huyết sau khi ăn, hạn chế ăn chất béo; tập luyện vừa sức, nên kiểm tra đường huyết trước khi tập và mang theo đường, kẹo để đề phòng hạ đường huyết sau khi tập luyện.

Bệnh nhân cũng có thể tham gia Câu lạc bộ phòng chống đái tháo đường tại Bệnh viện Việt Tiệp để có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong điều trị bệnh. Mục tiêu của việc điều trị cần hướng tới là đạt đường huyết gần mức bình thường nhất, làm chậm các biến chứng do đái tháo đường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh để họ có thể học tập, sinh hoạt như người bình thường.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN