“Trị” môn Xã hội

Mỗi bài tự luận của các môn Xã hội đều cần có bố cục rõ ràng với mở đầu, thân bài, kết luận cùng các luận điểm chặt chẽ. Tuy nhiên, ở những môn như Sử, Địa không cần viết dài dòng, chỉ cần đủ ý. Ngay cả đối với môn Văn, bạn không nên viết quá dài dòng mà hãy chú ý đến các ý tưởng và cách dùng từ sao cho “đắt”.

MÔN VĂN - LƯU Ý PHẦN MỞ BÀI

- Teen cần nắm rõ tác giả, nhân vật trong tác phẩm, có liên hệ hoàn cảnh sáng tác. Cần nắm rõ nội dung, nghệ thuật tác giả muốn gửi đến người đọc. Với thơ, cần chia bài thơ thành bố cục, nắm ý của từng đoạn thơ, mối liên hệ từng đoạn thơ.

- Phần mở bài hay sẽ tạo ấn tượng tốt với người chấm. Nhưng nếu không giỏi Văn, teen nên mở bài trực tiếp, giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, vấn đề đặt ra. Nên nhớ phần mở bài có hay đến mấy chỉ được tối đa 0,5 điểm, nên cần chú trọng dồn “nội lực” vào phần thân bài.

MÔN SỬ - NHỮNG CON SỐ

- Teen nhớ chú ý mối liên hệ giữa Sử Việt Nam và Thế giới trong bài làm. Teen chỉ cần ghi tháng/năm, hoặc thậm chí là năm thôi chứ không cần ghi ngày của các sự kiện.

- Những con số như số máy bay địch, số địch bị tiêu diệt… chỉ cần ghi ước lượng. Teen sẽ bị trừ rất nhiều điểm nếu ghi sai ngày hoặc con số, nếu không chắc thì đừng ghi vào bài thi.

MÔN ĐỊA - LIÊN HỆ VÙNG, MIỀN

- Teen không cần nhớ hết một dãy số liệu quá dài nhưng cần nhớ những số liệu cơ bản làm dẫn chứng cho bài viết. Ví dụ: dẫn chứng về tốc độ gia tăng dân số nước ta thì cần nắm những mốc quan trọng, thường là đầu – cuối hoặc những năm có sự biến động lớn như tăng, giảm đột ngột...

- Nhận dạng nhanh và đúng loại biểu đồ phù hợp. Khi vẽ cần tính toán kích cỡ biểu đồ vừa phải, trực quan, đẹp, vẽ to quá sẽ mất thời gian, còn nhỏ quá sẽ khó nhìn.

- Khi làm bài về điều kiện tự nhiên xã hội của các vùng, miền, teen nên liên hệ đến một tỉnh, thành của vùng, miền mà teen biết để dễ nhớ bài và liên hệ thực tế. Ví dụ: khi làm bài về vùng Đông Nam bộ hãy liên tưởng đến Thành phố Hồ Chí Minh.

MẸO THI TRẮC NGHIỆM

• Trước khi làm bài, dành thời gian ghi lại những dữ kiện bài toán đã cho và nhớ lại những công thức có liên quan. Đặc biệt với môn Hóa, bạn nhớ chú ý đến điều kiện phản ứng hóa học vì thay đổi điều kiện của phản ứng có thể thay đổi sản phẩm tạo thành.

• Đối với giấy nháp, sau khi nháp xong một bài bạn hãy đóng khung phần giải và ghi số thứ tự của bài ấy, điều này giúp bạn không nhầm lẫn các con số hay công thức giữa bài này với bài kia, đồng thời bạn cũng dễ kiểm tra cách làm và đáp số sau khi đã hoàn tất bài thi. Đề thi trắc nghiệm chỉ cần biết kết quả cuối cùng nên bạn có thể tốc kí ngắn gọn dễ hiểu viết ra nháp để tránh làm mất thời gian.

Khi chưa chắc chắn về đáp án câu nào, teen hãy dựa vào dữ kiện của bài toán để loại trừ hoặc “thà tô nhầm còn hơn bỏ sót” để có cơ hội dành điểm cao nhất. Với những câu hỏi khó, bạn có thể thử thay đáp án vào câu hỏi và đối chiếu, đây là giải pháp cuối cùng và chỉ dùng sau khi đã hoàn thành những câu khác.

Nguồn Mực Tím Online