Cúm H1N1 đại dịch
Xuất hiện vào tháng 5/2009, đến nay tại nước ta đã có hơn 10.000 người nhiễm H1N1, trên 50 trường hợp tử vong. Hiện nay virus cúm này đã trở thành cúm thường, lưu hành quanh năm.
Đây là virus có khả năng lây lan nhưng nhưng đại bộ phận các ca cúm ở thể nhẹ, có thể tự khỏi mà không phải đến bệnh viện. Tỷ lệ tử vong thấp, thậm chí thấp hơn cả cúm mùa. Người bệnh không chết vì virus cúm mà vì nhiễm trùng cơ hội khi bị nhiễm virus, dễ dẫn đến tử vong.
Cúm gia cầm H5N1
Nguyên nhân là do tiếp xúc gia cầm mắc bệnh, buôn bán giết mổ gia cầm bị bệnh, ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa nấu chín... Sau gần 2 năm vắng bóng đến đầu năm 2012, cúm H5N1 đã trở lại với 2 ca bệnh và tỷ lệ tử vong lên đến 100%.
Đây vẫn là chủng cúm có độc lực cao. Nguy cơ dịch cúm gia cầm trên người bùng phát mạnh trở lại rất dễ xảy ra, người dân ở nhiều địa phương, đặc biệt dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn giết mổ và ăn thịt gia cầm mắc bệnh.
Cúm A (H3N2) mới
Đây là chủng virus cúm mới có tên là S-OtrH3N2, tái tổ hợp từ virus cúm A(H1N1) đại dịch và cúm A(H3N2) có nguồn gốc từ lợn.
Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên là một bé gái 2 tuổi ở Long An. Bệnh diễn tiến nhẹ và hiện chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc. Tuy nhiên, đây là chủng cúm mới nên nó có thể là mối đe dọa với sức khoẻ vì con người vẫn chưa có miễn dịch với chúng.
Cúm thường
Đây là một thể cúm mùa thường gặp, ít gây nguy hiểm. Tuy nhiên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từng tiếp nhận một số ca biến chứng viêm phổi nặng, không phải trên người già, người có bệnh từ trước mà là thanh niên khỏe mạnh. Điều này cho thấy cúm thông thường cũng có thể diễn tiến nặng lên.
Cách nhận biết và đề phòng bệnh cúm
Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một số nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ trở nặng như: người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính.
Biểu hiện bệnh gồm: đau họng, sốt, đau đầu, đau nhức và mỏi cơ, ho... Ngoài ra, trường hợp bị cúm H1N1 đại dịch có thể có thêm biểu hiện buồn nôn và nôn. Biến chứng thường gặp của bệnh cúm là viêm phổi, đặc biệt ở trẻ, người già hoặc người có bệnh phổi, tim.
Cúm do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm ho, hắt hơi...). Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì không hề có tác dụng, người lại càng mệt mỏi hơn.
Để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…
Khi chưa mắc bệnh thì cần tránh tiếp xúc gần với người mắc cúm, hạn chế thời gian ở nơi đông người, tránh đưa tay lên mũi và miệng.
Trong trường hợp mắc cúm hay có biểu hiện hội chứng cúm thì nên ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người. Virus cúm có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc do đó người bệnh nên đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi để hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.
Để phòng chống dịch cúm lây truyền từ động vật sang người, người dân không giết, mổ gia cầm, lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân. Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm, thịt lợn chưa được chế biến kỹ.
Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, lợn phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Ngoài ra, những người bị cúm nhưng có dấu hiệu nặng lên như viêm phổi, suy hô hấp, sốt quá cao... thì cũng cần phải lưu ý. Những trường hợp này phải đến bệnh viện để được điều trị và chẩn đoán sớm, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Nguồn VnMedia.vn