Ẩn hoạ từ chuột cống mang virus suy thận

Hiện trên thế giới, dịch bệnh do virus Hanta gây ra đang hoành hành, còn ở Việt Nam tuy chỉ mới xuất hiện lẻ tẻ một vài trường hợp, song nếu không tiến hành diệt chuột thì rất có khả năng sẽ thành dịch bệnh, khó kiểm soát.

 
Chuột chui rúc trong những nơi xó xỉnh

Chuột mang virus Hanta có thể lây lan nhanh chóng

Trao đổi với PV Infonet, BS Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt Đới TP.Hồ Chí Minh cho biết, virus Hanta do chuột gây ra không phải là bệnh mới hiếm gặp mà xuất hiện từ rất lâu đời. Đây là một nhóm nhiều loại virus thuộc họ Bunyaviridae, được mang và lây truyền bởi loài gặm nhấm. Ở mỗi nơi, mỗi loại Hanta lại thích ứng với một loài gặm nhấm khác nhau. Chẳng hạn, ở Châu Mỹ, virus này có ở chuột nhà và gây hại tới phổi con người, chiếm tỷ lệ tử vong đến 50%. Còn tại Châu Á, virus này lại tồn tại ở chuột đồng, gây sốt xuất huyết và suy thận, tỷ lệ tử vong chiếm từ 1- 10%. Hiện tại, trên thế giới đã ghi nhận dịch bệnh này đang hoành hành tại Châu Mỹ, còn tại Châu Á, trong đó có Việt Nam mới chỉ xuất hiện đơn lẻ và rất hiếm.

Tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, từ đầu năm đến nay mới chỉ tiếp nhận 2 trường hợp bị nhiễm virus Hanta dẫn đến suy thận do bị chuột cắn. Triệu chứng và thời gian ủ bệnh của loại bệnh này gần như là giống hoàn toàn với bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 1 – 2 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài đến 8 tuần. Khởi đầu của bệnh là sốt đột ngột, kéo dài từ 2 – 7 ngày, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau sau hốc mắt, đặc biệt là đau lưng dọc theo các cơ xương hoặc khớp, buồn nôn và nổi ban xuất huyết dưới da… Song, rất may, 2 trường hợp này đã được phát hiện và điều trị kịp thời nên đã hồi phục hoàn toàn, không để lại biến chứng và đã được xuất viện.

BS Trường cho biết thêm, chỉ cần bị chuột mang mầm bệnh trong người cắn phải, nước bọt của chúng sẽ dính vào vết thương hoặc văng vào hốc mắt là có thể bị nhiễm virus ngay lập tức. Nguy hiểm hơn là, không chỉ bị cắn mà ngay cả nước tiểu và phân của chuột khi thải ra ngoài môi trường, con người hít phải cũng sẽ bị nhiễm bệnh.

“Tuy chỉ xuất hiện vài ca lẻ tẻ và không thể lây bệnh từ người sang người nên khó thành dịch nhưng cho đến nay, ngành y tế mới chỉ làm xét nghiệm trên người mà chưa lưu tâm đến các loài gặm nhấm. Trong khi đó, loài này mới là nguy cơ để bùng phát thành dịch. Bởi, thông thường khi một con chuột mang virus thì tốc độ lan truyền của nó rất nhanh và dễ theo cơ chế lây truyền ngang. Như vậy, chỉ cần một con bị bệnh là cả đàn cũng có thể bị bệnh. Nếu chẳng may đàn chuột này tấn công con người thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Trong khi, đến nay vẫn chưa có vacxin đặc trị loại virus này”, BS Trường nhấn mạnh.

Ra quân diệt chuột gây họa

Trao đổi về vấn đề này, BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, ngay sau khi có thông tin bệnh nhân nhập viện do chuột cắn, ngành y tế TP đã lên kế hoạch diệt chuột. Ngoài đánh bẫy chuột, cần làm sạch môi trường sống như luôn để nhà cửa thông thoáng, lau chùi tẩy rửa thường xuyên, không để phân chuột dính trong nhà… để hạn chế chuột hoành hành. Đồng thời, yêu cầu 24 quận, huyện đặc biệt lưu ý đến loài chuột cống có nguy cơ gây suy thận.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, nếu bị các dấu hiệu giống sốt xuất huyết nhưng có tiền sử như bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với nước tiểu, phân chuột thì cần nghĩ ngay đến virus Hanta để thông báo cho bác sĩ để điều trị kịp thời. Nếu điều trị càng sớm thì chỉ cần khoảng 8 – 10 ngày, sẽ không ảnh hưởng đến thận và những biến chứng.

Đặc biệt lưu ý với những người làm nghề sửa ống cống, ống nước, thường xuyên tiếp xúc với chuột cống và những người sống tại các kho bãi có nhiều chuột. Riêng, đối với những người khoái món thịt chuột cũng cần lưu ý, khi làm món ăn nên đảm bảo vệ sinh an toàn, nấu chín mới không còn tồn tại virus này.

Nguồn infonet.vn