Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, niên vụ năm nay tổng diện tích cây mía và cây mì toàn huyện đạt khoảng gần 5.300 ha. Trong đó diện tích cây mì là 2.631 ha, tăng 7,21% so với năm trước; riêng diện tích cây mía vào khoảng 2.640 ha, tăng gần 24%. Anh Phan Kế Vũ, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện cho biết, nhiều năm qua cây mía và cây mì góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, đặc biệt là người dân hai xã Quảng Sơn và Hòa Sơn. Vốn đầu tư vừa tầm với người nông dân, công chăm sóc lại ít, dễ thu hoạch, dễ tiêu thụ… vì vậy không khó để lý giải cho việc hai loại cây nguyên liệu vốn nổi tiếng của tỉnh ngày càng được nông dân Ninh Sơn đầu tư mở rộng diện tích.
Cây mì cho thu nhập ổn định góp phần nâng cao đời sống nông dân các xã miền núi huyện Ninh Sơn
Tuy nhiên, với hàng loạt nguyên nhân như: diễn biến thất thường của thời tiết; giá cả thu mua không ổn định, giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng, diện tích cây trồng mở rộng nên các nhà máy thu mua quá tải, làm cho người trồng mía và mì luôn băn khoăn với nỗi lo “ được mùa mất giá, được giá mất mùa” trước mỗi mùa thu hoạch là điều không thể tránh khỏi. Cũng theo anh Phan Kế Vũ: “ Để chủ động trong mùa thu hoạch mới, từ đầu năm huyện đã chỉ đạo các địa phương có diện tích mía, mì lớn cần có kế hoạch định hướng giúp bà con xuống vụ đúng thời điểm, phân định đúng những vùng chủ động nước, vùng không chủ động nước để tăng diện tích cây trồng hợp lý. Vừa qua huyện cũng đã có buổi làm việc đại diện Nhà máy Tinh bột mì và Công ty Mía đường Phan Rang và đề nghị có những giải pháp thu mua nguyên liệu đúng theo kế hoạch để giảm áp lực cho nông dân như mọi năm”.
Được biết, dù chưa bước vào mùa thu hoạch chính thức nhưng trung tuần tháng 10 vừa qua, Nhà máy Tinh bột mì đã thu mua mì của nông dân các vùng xuống vụ sớm trong năm, với mức giá từ 1.600 đồng – 1.700 đồng/kg và hiện nay giá mì đang dao động ở mức 1.800 đồng/kg. Đây quả thực là tín hiệu tích cực với người trồng mì, bởi giá này cao hơn từ 300 – 400 đồng/kg so với niên vụ cuối năm trước. Tuy vậy, khi thu hoạch đợt đầu ở một số nơi củ mì lại nhỏ, nhiều nông dân lo sợ lượng tinh bột mì kém, dẫn đến việc giảm năng suất. Vì vậy, nếu giá mì tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức này đến cuối mùa, thì người trồng mì năm nay mới có thể an tâm. Theo anh Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn: “Hiện nay, cây mì là loại cây chủ lực của địa phương. Để tránh tình trạng mì rớt giá khi vào chính vụ thu hoạch như năm trước, nông dân có thêm nhiều sự lựa chọn không bị ép giá, ngoài diện tích nông dân đã ký hợp đồng với Nhà máy Tinh bột mì, trước vụ thu hoạch năm nay địa phương đã chủ động mời gọi nhiều thương lái ở tỉnh ngoài, chủ yếu là Đồng Nai để họ thu mua các diện tích trồng vượt kế hoạch ”.
Cây mía trồng ở huyện Ninh Sơn cung cấp nguyên liệu chế biến cho Công ty Mía đường Phan Rang.
Ảnh: Sơn Ngọc
Đối với cây mía cũng đã bước vào thu hoạch, ngày 15-11 vừa qua, Công ty Mía đường Phan Rang đã chính thức phát lệnh thu mua với mức giá 900.000 đồng/tấn (mía đạt 10 chữ đường). Tại xã Quảng Sơn, địa phương luôn đi đầu diện tích trồng mía của tỉnh, ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với mức giá 900.000 đồng/tấn so với mọi năm thì giá cả ở mức không giảm. Năm nay, diện tích cây mía toàn xã Quảng Sơn là 1.850 ha, tăng thêm 200 ha so với năm trước. Địa phương đã tiếp tục mở rộng thêm một số diện tích giống mới đã mang lại hiệu quả cao cho nông dân thời gian qua như K88-92, K88-65… “Nhằm tránh tình trạng mía chặt rồi lại chậm thu mua, gây ảnh hưởng đến năng suất của bà con như mọi năm, thì ngoài việc kiến nghị với nhà máy cần có kế hoạch phát lệnh chặt và thu mua cụ thể đến từng vùng; địa phương cũng đã khuyến cáo bà con khi bước vào mùa thu hoạch rộ nên ưu tiên những vùng không chủ động nước để tránh tình trạng nắng hạn kéo dài làm giảm chữ đường” ông Lâm cho biết thêm.
Trước thềm vụ thu hoạch mới, tuy diện tích hai loại cây nguyên liệu nói trên ngày càng được mở rộng, cộng với diễn biến thất thường của thời tiết, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao…nhưng với những tín hiệu tích cực từ phía thu mua, hy vọng sẽ mang đến một mùa “bội thu” cho nông dân Ninh Sơn.
Nguyễn Sơn