Ninh Phước: Tập trung chăm sóc lúa vụ mùa

(NTO) Sau những cơn mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới vừa rồi, bà con nông dân huyện Ninh Phước tiếp tục ra đồng chăm sóc vụ mùa. Theo một số nông dân, nước trời cung cấp thêm đạm tự nhiên cho cây lúa phát triển, nên bà con tiết kiệm được một lượng phân bón đáng kể.

Lường trước vụ mùa thường có mưa to, nên ngành Nông nghiệp huyện Ninh Phước chỉ đạo nông dân qua ngày 23-10 (âm lịch) mới sản xuất ở những khu vực đồng trũng thuộc các xã: An Hải, Phước Hải, Phước Thuận, Phước Hữu. Riêng trà lúa đầu 3.700 ha của huyện đến nay đã được 40 ngày tuổi. Tính chung cả diện tích chuẩn bị xuống giống, thì vụ này địa phương sản xuất 4.700 ha, giảm 300 ha so với vụ hè-thu.

Anh Nguyễn Duy Nam ở thôn Thuận hòa (Phước Thuận) kiểm tra mức độ phát triển của cây lúa vụ mùa.

Cũng như các vụ trước, vụ mùa bà con tiếp tục gieo các loại giống chủ đạo, kháng bệnh tốt, năng suất cao như: TH6, TH41, ML 202 IR64, OM498, KD18… Tuy nhiên, do thời tiết vụ mùa ít thuận lợi nên ngay từ đầu vụ, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã khuyến cáo bà con không nên gieo các loại giống có dấu hiệu mang mầm bệnh, chỉ sử dụng giống thuần chủng. Nhờ có sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật trong khâu kiểm tra, sàng lọc giống, nên bà con chọn được giống tốt để sản xuất.

Ninh Phước là vùng trọng điểm lúa của tỉnh, nơi triển khai nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao. Vụ hè-thu vừa qua, bà con thực hiện có hiệu quả mô hình “Cùng nhà nông ra đồng” trên 30 ha ở xã Phước Thái, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên 136 ha ở xã Phước Hậu. Sang vụ mùa do tình hình thời tiết diễn biến khó lường nên chủ trương chung của địa phương là chưa vội nhân rộng mà chỉ duy trì ở mức trên. Đến thời điểm hiện nay, trà lúa đầu của huyện đang ở giai đoạn đẻ nhánh, phát triển tốt. Tuy vậy, theo anh Ngô Sỹ Châu, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện, khó khăn trong sản xuất vụ này là thời tiết mưa nắng đan xen, cộng với việc xuống giống không đồng bộ giữa các đồng đất nên dễ phát sinh các loại sâu đục thân, cuốn lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn, khô vằn. Chính vì vậy, Trạm đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, phối hợp chặt chẽ với khuyến nông viên cơ sở cập nhật tình hình sâu bệnh. Trường hợp phát hiện sâu bệnh thì tổ chức khoanh vùng, phun thuốc, khống chế không để phát tán trên diện rộng.

Hiện lúa của một số hộ dân ở xã Phước Thuận có sâu cuốn lá, nhưng mật độ thấp, không đáng kể. Đang phun thuốc trừ sâu cho 2 sào lúa vụ mùa, anh Nguyễn Nhơn, ở thôn Hiệp Hòa, cho biết: “Lúa vụ mùa ở giai đoạn đẻ nhánh thường xuất hiện một số bệnh. Qua thăm đồng phát hiện có dấu hiệu sâu cuốn lá nên tôi phun thuốc phòng ngừa. Chỉ cần pha loãng thuốc ở nồng độ thấp, phun một đợt là trị được tận gốc”. Điều bà con lo nhất trong vụ mùa không phải sâu bệnh mà là lũ lụt. Anh Nguyễn Duy Nam, ở thôn Hiệp Hòa, thổ lộ: “Thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho lúa phát triển, nhưng nếu trời tiếp tục mưa thì nguy cơ ngập úng rất cao, phải qua ngày 23-10 âm lịch nông dân mới an tâm được.”.

Thực tế, vụ hè-thu vừa qua do cải tạo, nâng cấp kênh Nam nên địa phương xuống giống chậm so với lịch thời vụ dẫn đến một số diện tích lúa sắp thu hoạch ở các xã Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hữu… gặp mưa hạt bị nảy mầm. Mặc dù năng suất cao, nhưng chất lượng lúa kém nên giá thành giảm, dẫn đến lợi nhuận thấp. Rút kinh nghiệm, vụ này UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường nạo vét kênh thoát lũ. Đối với những xứ đồng có nguy cơ ngập lụt cao thì chọn giống lúa ngắn ngày sản xuất, bón thêm phân lân, giảm phân đạm để cây lúa cứng cáp, không bị ngã đổ khi có nước lớn.

Theo anh Ngô Sỹ Châu, những cơn mưa vừa qua hoàn toàn không ảnh hưởng đến lúa mà có tác dụng kích thích lúa phát triển. Thời điểm này, bà con cần thường xuyên thăm đồng, đắp bờ giữ mực nước hợp lý để cây lúa phát triển tốt.