Sản xuất phải gắn quyền lợi người tiêu dùng

(NTO) Qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, có thể nói thông qua công tác chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp; có nhiều sáng tạo trong cách làm của các Sở, ngành liên quan đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động… đến nay cuộc vận động đã ngày càng có sức lan tỏa và làm chuyển biến nhận thức của hàng chục ngàn lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân… về sử dụng hàng sản xuất trong nước nói chung và địa phương nói riêng.

Để bảo đảm chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một số Sở, ngành như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trong việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, ISO 9001 – 2000…

Khách hàng lựa chọn mua hàng tiêu dùng sản xuất trong nước tại siêu thị Thanh Hà.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ngành Công thương tổ chức hàng chục hội chợ triển lãm nhân các sự kiện lớn của tỉnh diễn ra hàng năm; phối hợp với nhiều doanh nghiệp tổ chức trên 95 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong tỉnh. Đáng nói là các doanh nghiệp đã ngày càng ý thức được chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, chú ý đến mẫu mã, bao bì đẹp… để hấp dẫn người tiêu dùng. Các doanh nghiệp thương mại đã quan tâm đến khảo sát thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến tận các xã vùng sâu, vùng xa… với phương châm “Hàng Việt chinh phục người Việt”… Với những cách làm tích cực như đã nêu trên có thể nói đã thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng là hướng đến hàng Việt ngày càng nhiều, sự “tương tác” giữa các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài tỉnh với người tiêu dùng ngày càng bền chặt hơn. Hay nói khác hơn, qua 3 năm phát động, thực hiện cuộc vận động, đến nay có thể khẳng định hàng Việt đã chiếm vai trò chủ đạo trong nhiều ngành hàng.

Trong thời gian tới, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” luôn nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội, yêu cầu đặt ra là cùng với việc phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh và có hiệu quả công tác tuyên truyền về ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam… Các doanh nghiệp phải thực sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, mẫu mã đẹp và hậu mãi tốt. Có như vậy cuộc vận động này mới có sức lan tỏa lâu dài và tránh được tình trạng kêu gọi người tiêu dùng mua hàng Việt một cách hình thức.