Công nghệ Biofloc, triển vọng mới trong nuôi tôm thương phẩm

(NTO) Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.300 ha diện tích mặt nước được thả nuôi. Trong đó, tôm thẻ chân trắng có hơn 1.100 ha và tôm sú gần 200 ha. Mặc dù diện tích thả nuôi tăng 20% so với cùng kỳ 2011, nhưng do thời điểm cuối tháng 5 đến tháng 8 tại một số vùng nuôi như: Phước Dinh (Thuận Nam) và Tân Hải, Hộ Hải (Ninh Hải)... đã xảy ra dịch bệnh với diện tích lên đến 481 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích thả nuôi, nên sản lượng thu hoạch chỉ được 3.443 tấn, đạt 41% kế hoạch.

Bên cạnh đó, giá bán cũng thường xuyên dao động mạnh từ 80.000 đồng – 100.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), nên hầu hết người nuôi chỉ hòa hoặc lỗ vốn.Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều trường, viện và trung tâm nghiên cứu về bệnh tôm đã tập trung để xác định nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh.

Nghề nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, tôm chết tập trung chủ yếu ở giai đoạn từ 20 – 40 ngày tuổi và tiếp tục chết rải rác trong suốt vụ nuôi với những triệu chứng, dấu hiệu không rõ ràng như: Gan tụy teo lại, màu xanh lợt hoặc gan tụy sưng nhũn, thối rữa bao phủ lớp màng trắng nhạt và tỷ lệ chết cấp tính từ 30% – 60%. Nguyên nhân dẫn đến tôm bị hiện tượng trên là do tác nhân hữu sinh như: virus mới, vi khuẩn biến đổi phage. Bên cạnh đó, một phần do người nuôi lạm dụng quá nhiều hoá chất, thuốc kháng sinh trong xử lý, cải tạo ao trước và trong khi nuôi. Một nguyên nhân khác nữa đó là mật độ ao nuôi ở các vùng này quá dày đặc, nhưng thiết kế lại đơn giản; cơ sở hạ tầng không được chú trọng đầu tư, hệ thống kênh mương lại chằng chịt, xen kẽ vùng dân cư và nông nghiệp, nên dẫn đến tình trạng năm nào các khu vực này cũng bùng phát dịch bệnh với quy mô lớn.

Để nghề nuôi tôm phát triển một cách bền vững, tránh được dịch bệnh, mang lại thu nhập cao cho người nuôi tôm, giữa tháng 10-2012, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với Công ty TNHH Anh Việt và Công ty TNHH Tân Sao Á tổ chức Hội nghị hướng dẫn cách ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm cho các hộ dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Đây là công nghệ sinh học theo hướng mới với ưu thế giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí thức ăn cho người nuôi và đã được áp dụng thành công ở Indonesia và một số nước ở Châu Á.

Kỹ sư Trương Minh Đức, chuyên gia nuôi trồng thủy sản của Công ty TNHH Tân Sao Á cho biết: “Công nghệ Biofloc là quá trình lọc sinh học nhờ vi khuẩn trong việc quản lý chất lượng nước của các ao nuôi thủy sản. Công nghệ này chủ yếu dựa trên việc duy trì và cân bằng một tỷ lệ giữa các-bon và ni-tơ (tỷ lệ C:N) hợp lý, để vi sinh vật chuyển hóa thành sinh khối và xác định ngưỡng tối ưu các thông số ảnh hưởng đến sự phát triển của Biofloc...”. Để thực hiện tốt quy trình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc thì việc chuẩn bị ao và xử lý nước cũng hết sức quan trọng, như: Khoảng 15 ngày trước khi thả giống nên dùng 100ppm hòa tan, sau đó phun xịt và xử lý toàn bộ đáy ao và xung quanh bờ ao. Đối với hệ thống nước, trước khi bơm vào ao chứa lắng phải sử dụng qua túi lọc cỡ 250 – 300 micron, sau khi điều chỉnh độ mặn đạt khoảng 25%o cần sử dụng thêm vi sinh khử phèn và kim loại nặng IRB 800 với liều lượng 250g/ao 5.000 m2, đồng thời dùng thêm chế phẩm vi sinh DWTB 800 với lượng 100g/ao 5.000 m2 và để liên tục trong 2 ngày để cung cấp hệ vi sinh có lợi trong ao nuôi. Khi việc xử lý ao nuôi và hệ thống nước được ổn định, 12 ngày trước khi thả giống cần thực hiện việc gây màu và làm giàu môi trường theo quy trình semi-Biofloc, nếu thấy độ trong của nước đạt 40cm là ao đã sẵn sàng thả giống. Trong khi nuôi, cách cho tôm ăn, các phương pháp kiểm tra mật độ và duy trì Biofloc, cách chạy quạt từ ngày đầu tiên gây màu và làm giàu ao nuôi đến khi thả nuôi và cho thu hoạch cũng rất quan trọng nên phải tuân thủ đúng theo quy định. Ông Bảo Nguyên, ở thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (Thuận Nam) phấn khởi cho biết: “Gia đình có 7 ha đìa nuôi tôm, vì thế khi được Chi cục Nuôi trồng thủy sản giới thiệu công nghệ mới Biofloc, bản thân cũng như những người nuôi tôm tại tỉnh rất vui. Dù công nghệ này còn mới lạ, nhưng được các chuyên gia giới thiệu rất chi tiết nên chúng tôi yên tâm để áp dụng”.

Nông dân xã An Hải thu hoạch tôm thẻ chân trắng đem lại giá trị kinh tế cao.

Khi áp dụng đúng quy trình của Biofloc sẽ giải quyết được cùng lúc ba vấn đề, đó là: Loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng để xử lý nước ao nuôi; sử dụng nó để làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho đối tượng nuôi và hỗ trợ công tác phòng bệnh rất hiệu quả dựa trên nguyên lý cơ bản của bùn hoạt tính dạng lơ lửng. Ngoài ra, công nghệ Biofloc còn làm giảm tối đa sự xuất hiện của dịch bệnh đốm trắng trong ao nuôi xuống dưới 5% và không cần thay nước trong suốt quá trình nuôi, nhưng sản lượng tôm nuôi tăng từ 5 - 10%, kích cỡ tôm lớn hơn ít nhất 2 gam/con so với nuôi quy trình bình thường. Đồng thời, chi phí sản xuất thấp hơn từ 15 - 20% so với áp dụng quy trình nuôi bình thường, bên cạnh đó các thông số môi trường rất ổn định khi thời tiết thay đổi hay nuôi trong mùa lạnh.

Ưu điểm của công nghệ Biofloc là thế, nhưng do đây là công nghệ mới, vì thế hiện tại người nuôi tôm tỉnh ta rất cần các cơ quan chức năng, các chuyên gia về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn, nhằm giúp bà con nắm vững kỹ thuật để phát triển nghề một cách bền vững, tránh được dịch bệnh, mang lại thu nhập cao từ con tôm.