Ảnh minh họa
Cụ thể, việc thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể và thành lập phân hiệu trường TCCN tư thục về cơ bản thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường TCCN. Trường phải đảm bảo tỷ lệ giáo viên cơ hữu trên tổng số giáo viên của nhà trường không dưới 30%. Số giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng phải đảm bảo theo định mức về nhà giáo đối với đào tạo trình độ TCCN.
Cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên của trường TCCN tư thục không thuộc biên chế nhà nước, được tuyển dụng và thực hiện các chế độ quy định của pháp luật về hợp đồng lao động; được hưởng chế độ tiền công, tiền lương theo thỏa thuận, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Người học trong trường TCCN tư thục có nhiệm vụ và các quyền quy định tại Điều lệ trường TCCN.
Hàng năm, trường TCCN tư thục có trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên tài sản, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hợp lý để đầu tư bổ sung, đổi mới trang thiết bị, sửa chữa lớn, xây dựng mới và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nếu có đủ căn cứ kết luận trường TCCN tư thục vi phạm pháp luật, vi phạm các quy chế, quy định của Bộ GD&ĐT; không bảo đảm chất lượng giáo dục, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy, học tập thì tùy theo mức độ vi phạm, sở giáo dục và đào tạo trực tiếp quản lý trường có trách nhiệm: Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện, khắc phục và xử lý các vi phạm; ra quyết định hủy bỏ việc công nhận Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng; ra quyết định tạm ngừng tuyển sinh, đình chỉ hoạt động giáo dục; trình cơ quan có thẩm ra quyết định giải thể trường; xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật...
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại