Tạo điều kiện cho kinh tế tập thể ngành Nông nghiệp phát triển

(NTO) Xác định kinh tế tập thể ngành nông nghiệp, mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) có vai trò quan trọng, tạo công ăn việc, góp phần xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn, nên thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển loại hình kinh tế này.

Ngày 9-11-2006, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3983/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010. Theo đó, hai đơn vị là Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) và Liên minh HTX bình quân mỗi năm được cấp kinh phí hơn 300 triệu đồng để đào tạo nguồn nhân lực cho các HTXNN, tổ hợp tác trên toàn tỉnh. Tính từ năm 2007 đến nay, chỉ riêng Chi cục Phát triển nông thôn đã đưa 150 lượt cán bộ quản lý ở các HTXNN, tổ hợp tác… đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn tại Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II ở TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: “Sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng, năng lực quản lý của Ban quản trị được nâng cao. Nhiều HTXNN đổi mới mô hình kinh doanh, thích nghi với kinh tế thị trường, năng động mở rộng các khâu dịch vụ, liên kết sản xuất, tìm “đầu ra” cho sản phẩm”.

 
Xã viên HTX La Chữ , xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước chăm sóc cây bông vải.
Ảnh: Duy Anh

Trước đó, để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể ngành nông nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng, ngày 26 - 6 - 2001, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3314/QĐ-UBND về giao đất, cho thuê đất và những ưu đãi về thuế, tài chính đối với các HTX chuyển đổi và thành lập mới theo Luật HTX. Nhờ đó, các HTXNN được quan tâm giao đất để xây dựng văn phòng, nhà kho, sân phơi… Tính đến nay, có 25 HTXNN được giao 235.631 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, 19 HTX được hỗ trợ đất không thu thuế với diện tích 213.528 m2. Các địa phương đang xem xét tiếp tục cho một số HTXNN thuê đất dự phòng để sản xuất lúa giống, trồng cỏ chăn nuôi.

Ngoài ra, hằng năm UBND tỉnh đã trích nguồn vốn Chương trình 120 của Chính phủ về giải quyết việc làm giao cho các sở, ngành, địa phương xem xét cho các HTXNN vay để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu ngành, nghề, cây trồng, vật nuôi. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh giải quyết cho các HTXNN vay bằng hình thức thế chấp, tín chấp, bảo lãnh. Từ 2006 đến nay, có 40 lượt dự án được vay từ nguồn vốn Chương trình 120, với số tiền gần 4 tỷ đồng và 12 HTXNN được vay từ các tổ chức tín dụng với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển nông thôn cũng đã hỗ trợ 5 máy gặt đập liên hợp cho các HTXNN: Bình Quý, Phú Quý, Trường Thọ, Bảo An và Mỹ Nghiệp, tổng kinh phí 425 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến nông, lâm, ngư và phát triển sản xuất ngành nghề để các HTX mở rộng hoạt động dịch vụ, phục vụ xã viên, tăng doanh thu .

 
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn cho bà con kỹ thuật chăm sóc cây lúa.
Ảnh: Diễm My

Đồng chí Lê Kim Hiếu, nhìn nhận: Nhờ có sự hỗ trợ của tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTXNN đạt được nhiều kết quả cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Đối với kinh tế, các HTXNN đã phát triển đa dạng ngành nghề, dịch vụ. Năm 2006, HTXNN chủ yếu làm các khâu dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, thủy lợi, nay mở rộng thêm dịch vụ làm đất, sản xuất lúa giống, bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Tổng doanh thu của các HTXNN đạt gần 43,2 tỷ đồng/năm, tăng gấp 7 lần so với năm 2006. Những HTX có doanh thu cao như HTX Hữu Đức 6 tỷ đồng, HTX Như Bình 4,3 tỷ đồng. Giá trị ngày công và thu nhập của xã viên từ kinh tế HTXNN đạt trên dưới 1 triệu đồng/tháng, tiền lương của cán bộ cao hơn trước, ở mức 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Về mặt xã hội, HTXNN làm chỗ dựa vững chắc cho kinh tế hộ phát triển, là cầu nối để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, là nơi để chuyển tải và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất đến với người dân. Thông qua hoạt động dịch vụ, HTXNN đã hỗ trợ xã viên sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo cuộc sống ổn định cho nông dân.

Có thể nói, khi tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp, đã tạo động lực cho các HTXNN mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của HTXNN ngày càng phát triển và đứng vững trong thời kỳ đổi mới, khẳng định được vị thế quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh nhà. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách còn bộc lộ những hạn chế, như nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu của Trung ương dành cho kinh tế tập thể chưa được đưa vào kế hoạch ổn định hằng năm, nên các địa phương bị động, lúng túng. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp huyện trong nhiều năm qua hầu như chưa bố trí cho lĩnh vực hoạt động của các HTXNN. Do đó, các HTXNN không đủ vốn mở rộng các ngành nghề phục vụ đời sống của người nông dân, mà chỉ xoay quanh dịch vụ cây lúa là chính. Trong khi đó, theo đồng chí Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, những tài sản của HTXNN đang sử dụng như đất đai, máy móc, cơ sở vật chất… không xác định được chủ thể rõ ràng, thế nên nhiều ngân hàng thương mại có tâm lý dè dặt khi thẩm định cho các HTXNN vay vốn. Trước những khó khăn như vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế HTXNN, rất cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương.