Hướng đi nào cho nghề nuôi trồng thuỷ sản Đầm Nại ?

(NTO) Đầm Nại (Ninh Hải) có trên 1.000 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), tập trung ở các xã, thị trấn: Tân Hải, Phương Hải, Hộ Hải, Khánh Hải và Tri Hải. Tuy nhiên, do những năm qua NTTS phát triển không theo quy hoạch và ý thức bảo vệ môi trường, tính cộng đồng của người dân chưa cao nên khu vực này bị ô nhiễm nặng. Vì vậy tìm một hướng đi mới cho NTTS Đầm Nại là vấn đề đang được ngành chức năng và huyện Ninh Hải hết sức quan tâm.

Theo tài liệu đánh giá về nguồn lực tự nhiên của Ninh Hải, vùng ven đầm Nại chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều từ biển, có tính chất phức tạp (vừa có nhật triều, vừa có bán nhật triều). Nhưng nhờ thuỷ triều thấp, biên độ dao động từ 1,88-2,2 m, đã tạo điều kiện thuận lợi cho NTTS và làm muối ven biển.

Thu hoạch tôm sú. Ảnh: Thanh Long

Thực tế cho thấy, trước đây hoạt động NTTS ven đầm Nại đã có những bước phát triển mạnh, đặc biệt là nghề nuôi tôm sú, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng giá trị sản xuất TS hàng năm của Ninh Hải. Song, những năm gần đây, hàng năm là có khoảng 70% diện tích thả nuôi tôm sú hòa vốn hoặc lỗ, tỷ lệ lãi từ nghề nuôi tôm sú đạt thấp. Từ khi xuất hiện con tôm thẻ chân trắng, diện tích tôm sú giảm dần và đến nay trong diện tích giới hạn 400-600 ha đìa nuôi tôm thịt, đầm Nại chỉ còn khoảng 100-150 ha là tôm sú, còn lại đều thả nuôi tôm thẻ. Ban đầu con tôm thẻ được tán dương có ưu điểm hơn hẳn tôm sú, thế nhưng chỉ sau vài năm, nó vẫn phải chung cảnh bị dịch bệnh tràn lan. Theo Chi cục NTTS tỉnh, tính từ đầu năm tới nay, khu vực đầm Nại đã có 74,3 ha đìa tôm sú (chiếm 40% diện tích thả nuôi) bị bệnh về gan tuỵ, đường ruột và sốc môi trường; và chỉ từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 có thêm 67,7 ha đìa tôm thẻ chân trắng bị bệnh với dấu hiệu tương tự.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh tôm ở khu vực đầm Nại, từ những năm trước huyện Ninh Hải và Chi cục NTTS chủ trương đa dạng đối tượng nuôi, thay thế dần các ao đìa tôm. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh giải thích: “Ngành và địa phương khuyến khích các hộ NTTS khu vực đầm Nại chuyển sang nuôi đối tượng mới, càng giảm diện tích nuôi tôm càng tốt, kể cả chuyển dịch hẳn cơ cấu sản xuất, như định hướng của xã Phương Hải chuyển 160 ha diện tích đìa tôm thường bị nhiễm bệnh sang làm ruộng muối, đây là giải pháp rất phù hợp để giảm áp lực về môi trường”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh đối tượng tôm sú và tôm thẻ, đầm Nại đã được ngành chức năng tập trung chỉ đạo và triển khai nuôi đa đối tượng trên diện tích hiện có như: Rong sụn, tôm hùm, vẹm xanh, ốc hương,… nhằm từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nuôi, tạo thêm thu nhập gắn với giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng ven đầm. Ước tính quanh khu vực đầm Nại hiện có 40-50 ha ao đìa nuôi cua ghẹ, khoảng 10 ha nuôi hàu, 10-15 ha nuôi ốc hương, một ít diện tích thực hiện chương trình thử nghiệm nuôi cá chim vàng (công nghệ, giống từ trường Đại học TS Nha Trang) và nuôi thử nghiệm hải sâm. Nhiều hộ khác đã tận dụng diện tích không thích hợp nuôi tôm chuyển sang nuôi cá mú, cá bống tượng, vừa cải tạo môi trường, vừa tăng thu nhập vì đây là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.

Nông dân xã Tri Hải nuôi trồng rong sụn trên vùng Đầm Nại.

Đối với đối tượng nuôi là tôm thịt, cùng với việc khống chế diện tích, Chi cục NTTS tỉnh đang định hướng cho các ao, đìa nuôi đầu tư chiều sâu theo quy trình công nghệ BioBlock, từng được ứng dụng rất thành công ở Indonesia trên đối tượng nuôi cá rô phi và tôm chân trắng. Ứng dụng quy trình này là sử dụng ao chứa lắng xử lý triệt để nguồn nước đầu vào, duy trì mật độ thả giống thưa, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học và nhiều biện pháp kỹ thuật mới. Cùng với ứng dụng công nghệ trên, Chi cục NTTS còn định hình nuôi tôm mô hình mới như nuôi tôm sú châu Phi và nuôi tôm sú Hawai. Đối với các đối tượng nuôi khác, bước đầu cho thấy đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử cua ghẹ, nếu so sánh với tôm, cua ghẹ có kỹ thuật nuôi đơn giản, thức ăn là cá tạp dễ kiếm nhưng giá bán lại cao (200 ngàn đồng/kg), trong khi tôm thẻ thịt chỉ khoảng 80 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên điều khó khăn nhất hiện nay là các đối tượng nuôi thay thế không chủ động được giống, hầu như cua ghẹ, hàu đều lấy giống tự nhiên, nguồn cung do đó không đủ đáp ứng nhu cầu.

Nhìn tổng thể, khu vực đầm Nại đã tìm ra hướng đi khi xác định phát triển đa dạng đối tượng NTTS. Theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, hạn chế về giống sẽ có giải pháp thích hợp, vấn đề đáng lo hơn là khu vực này còn hạn chế về cơ sở hạ tầng như hệ thống kênh mương cung cấp nước mặn-ngọt, điện, xử lý thải…. Nguyên nhân chính là các dự án thi công chậm, kéo dài chưa phát huy được hiệu quả, đặc biệt dự án cải tạo đầm Nại triển khai dang dở. Những yếu tố đó góp phần làm cho tình trạng môi trường ô nhiễm chậm được khắc phục, nguy cơ dịch bệnh còn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến định hướng phát triển NTTS bền vững. Vì vậy điều cấp bách nhất hiện nay là phải khởi động lại dự án đầm Nại, khắc phục sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng vùng nuôi.