Trước khi bàn đến vấn đề trên, thử nhìn tổng quan ở tỉnh ta có sản phẩm, tên gọi nào gắn liền với các lĩnh vực hàng hải, hải sản, du lịch biển, khoáng sản biển, các ngành công nghiệp liên quan đến biển, các khu bảo tồn biển hay không? Theo đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu hiểu đúng nghĩa “Thương hiệu biển”, thì chưa rõ ràng.
Khai thác cá thu bằng nghề lưới đăng truyền thống ở vịnh Vĩnh Hy, Ninh Hải. Ảnh: Minh Quốc
Thật vậy, tỉnh ta chưa có cảng biển nước sâu nên chưa có ngành hàng hải; về hải sản, cả nước đều biết đến cá ngừ đại dương của Phú Yên chứ mấy ai biết đến cá cơm Ninh Thuận; về du lịch biển hễ nói tới Bình Thuận là cả nước nhớ tới Mũi Né, không ai rõ du lịch biển Ninh Thuận có gì đặc sắc; khoáng sản biển và các ngành công nghiệp liên quan đến biển có muối và công nghiệp hoá chất sau muối nhưng đang trong quá trình đầu tư. Riêng về khu bảo tồn biển, tỉnh ta có Vườn Quốc gia Núi Chúa nhưng việc khai thác, quảng bá du lịch còn chưa xứng tầm. So sánh trên để thấy sự cấp bách xây dựng thương hiệu biển, vì phát triển nền kinh tế hướng ra biển đang được tỉnh ta hết sức quan tâm. Điều này có thể thấy rõ trong Nghị quyết của Tỉnh ủy về “Phát triển kinh tế biển giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020”. Theo đó, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 trở thành một tỉnh có kinh tế biển phát triển với một số chương trình, dự án lớn, nằm trong hệ thống các công trình trọng điểm quốc gia như: Cảng biển, công nghiệp đóng tàu, chế biến hải sản; sản xuất giống và nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản xa bờ; du lịch biển; công nghiệp muối và hoá chất sau muối; các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển…
Với lợi thế của một tỉnh có bờ biển dài 105 km, có vùng đặc quyền kinh tế rộng 24.480 km2 và diện tích vùng biển nội thuỷ 1.800 km2, vùng biển tỉnh ta được đánh giá là ngư trường khai thác lớn của cả nước với trữ lượng 120.000 tấn hải sản trong năm. Thêm nữa, vùng biển tỉnh ta có đặc điểm nước sâu, trong sạch, nằm ở trung tâm vùng nước trồi, có nhiều bãi rạn san hô là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản quý hiếm có thể khoanh nuôi, bảo tồn và phát triển. Thực tế cho thấy cá đánh bắt được ở vùng biển tỉnh ta luôn có chất lượng ngon, giá bán cao hơn cá khai thác ở các ngư trường khác. Đơn cử cá thu đầm đăng Vĩnh Hy, không biển nơi nào sánh bằng, cá bè cu đánh bắt trên vùng biển Ninh Thuận cũng ngon nức tiếng. Nhưng điều đáng tiếc là “tiếng thơm” những sản phảm này chưa lan toả khắp nước, trong đó có một phần là do sản lượng khai thác chưa nhiều. Nhìn lại từ khi tái lập tỉnh đến nay, dù đã có nhiều lĩnh vực kinh tế thuỷ sản của tỉnh ta bứt phá, vươn lên, từng bước khẳng định vị thế của mình trong nghề cá cả nước song chưa có sản phẩm hoặc doanh nghiệp nào gắn với biển định hình được thương hiệu biển.
Cà Ná - bãi biển đẹp luôn thu hút du khách. Ảnh: Văn Miên
Theo ghi nhận của chúng tôi, xác định sản xuất giống thuỷ sản là chủ lực, trong những năm qua thương hiệu biển Ninh Thuận bước đầu được người nuôi trồng thuỷ sản cả nước biết đến. Nếu năm 2006 sản lượng giống đạt 5,26 tỷ con (chỉ có giống tôm sú) thì 10 tháng đầu năm nay con số ấy đã là 4,1 tỷ con, đặc biệt còn có 9,2 tỷ con tôm thẻ chân trắng giống, cộng chung đã sản xuất 13,3 tỷ con tôm giống, chưa kể còn có 18 triệu con ốc hương giống, 40 triệu con tu hài giống, 2 triệu con cua ghẹ giống và 16 triệu con cá giống. Đồng chí Bùi Thị Anh Vân lý giải: “An Hải (Ninh Phước) đã trở thành một trung tâm giống thuỷ sản chất lượng cao đứng đầu của cả nước. Nếu xây dựng thương hiệu biển nên bắt đầu từ đây, nhưng phải tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tỉnh phải có chính sách thu hút những nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tìm đến, tạo ra sức bật cho sản xuất và tiêu thụ, khẳng định thương hiệu biển về giống thuỷ sản”.
Theo Kỹ sư Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh: Tiến tới xây dựng thương hiệu biển, tỉnh ta không chỉ có thế mạnh về sản xuất giống thuỷ sản ở An Hải mà còn có tiềm năng về khoanh nuôi, bảo tồn và phát triển con tôm hùm giống ở vùng bãi rạn san hô Thanh Hải (Ninh Hải). Đây là nguồn giống tự nhiên được người dân khai thác, cung cấp hàng năm hơn 100 ngàn con tôm hùm giống cho Khánh Hoà và Phú Yên. Điều đáng nói là vùng bãi rạn này đang được giao cho Tổ cộng đồng của người dân địa phương quản lý, đã bảo vệ được hệ sinh thái theo thông lệ quốc tế, bước đầu thu hút sự chú ý của khách du lịch. Một khi có thương hiệu, nơi này chẳng những phát triển kinh tế mà còn là điểm du lịch có loại hình mới rất đặc sắc.
Xây dựng thương hiệu biển tỉnh ta bắt đầu từ lĩnh vực công nghiệp sản xuất giống thuỷ sản và khoanh nuôi, bảo tồn rạn san hô, trước hết làm nâng ý thức người dân về bảo vệ môi trường biển, làm nảy sinh tình yêu sâu đậm hơn với biển quê hương. Từ tình yêu này sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành khai thác đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch biển và các lĩnh vực sản xuất liên quan đến biển bứt phá vươn lên.
Đồng chíBùi Thị Anh Vân,
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:
Thương hiệu biển là một khái niệm tương đối mới đối với nhiều ngành liên quan đến biển, vì vậy xây dựng thương hiệu biển là quá trình đi từ nhận thức đến hành động, trong đó có vai trò then chốt của quản lý nhà nước và sự tích cực vào cuộc của các doanh nghiệp. Cho đến nay, tỉnh ta chưa thực sự có sản phẩm nào nổi trội gắn liền thương hiệu biển và cũng chưa khởi động tiến hành quy trình xây dựng. Nhưng với tiềm năng và một vài lĩnh vực gắn liền với biển đang được đầu tư, tỉnh ta sẽ có sản phẩm đặc thù của kinh tế biển. Điều quan trọng là ngay từ bây giờ cần có sự phối hợp của các ngành chức năng, các doanh nghiệp trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm độc đáo gắn liền với biển quê hương. Mặt khác để khai thác đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho phát triển kinh tế hướng ra biển, tỉnh ta cần có chính sách khuyến khích ngư dân thay đổi tập quán đi ngắn ngày, mạnh dạn khai thác trên các ngư trường xa bờ không truyền thống. Cụ thể là tổ chức lại sản xuất và tổ chức đưa đội tàu công suất lớn ra vùng biển khơi hoạt động nhằm mục đích nâng cao chất lượng hải sản đánh bắt gắn với chế biến sản phẩm.
Đồng chíTrương Thanh Long,
Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải:
Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, huyện Ninh Hải xác định xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc thù dựa trên những thế mạnh kinh tế tại địa phương. Trong đó, nổi bật là sản phẩm du lịch với các điểm như vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải), gắn du lịch biển với du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa, Hòn Đỏ (xã Thanh Hải), Ninh Chử (thị trấn Khánh Hải), Đầm Nại,… Ngoài ra, chúng tôi đang tiến hành xây dựng làng nghề chế biến hải sản tại Mỹ Tân (Thanh Hải). Sản phẩm muối tại địa phương cũng đang hình thành nhiều thương hiệu có uy tín trên thị trường. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu phải gắn chặt với công tác bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Đồng chí Ngô Văn Sậy,Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam:
Là địa phương có tiềm năng lớn trong khai thác thủy sản, lại có nghề chế biến nước mắm truyền thống lâu đời, huyện Thuận Nam đang xây dựng thương hiệu làng nghề sản xuất nước mắm. Thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện trong phát triển làng nghề và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù đến bà con. Trước mắt, chúng tôi đã vận động được 11 hộ dân là sáng lập viên để chuẩn bị thành lập Hợp tác xã làng nghề sản xuất nước mắm Lạc Sơn (xã Cà Ná) trong quý IV này. Tiếp đó, huyện sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hướng dẫn quản lý và sử dụng thương hiệu trên thị trường.
Bạch Thương - Nhóm PV