Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh là đơn vị đã có nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình trồng cây mãng cầu theo hướng GAP
tại hộ gia đình chị Đăng Thị Xuân, thôn Hòa Thạnh, xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: Văn Thanh
Từ năm 1992 đến nay, Trung tâm đã triển khai xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến cho nông dân, ngư dân trong tỉnh. Đối với các cây trồng chủ lực như lúa, nho, bắp, mía, mỳ, cây bông vải, cây đậu xanh đều cho kết quả khả quan. Về cây lúa, thực hiện 550 điểm trình diễn, với diện tích 600 ha, chuyển giao các kỹ thuật canh tác: Thâm canh lúa nước vùng miền núi, mô hình "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", sản xuất lúa hữu cơ bằng phân sinh học…Thực hiện khảo nghiệm 20 giống lúa để chọn ra 10 giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện sản xuất địa phương như OM 1723, OMCS 2000, Tài nguyên đột biến 100, OM 1490…Hiệu qủa là giảm lượng giống gieo từ 350 kg/ha xuống còn 200 kg/ha, năng suất tăng từ 37,3 tạ/ha năm 1992 lên 55,9 tạ/ha năm 2011, góp phần đưa sản lượng từ 124.396 tấn năm 1992 lên 216.813 tấn vào năm 2012.
Đối với cây nho, Trung tâm đã hướng dẫn phát triển 100 ha giống nho mới NH 01-48, giúp người trồng nho ứng dụng kỹ thuật ghép giống nho đỏ, nho NH 01-48 trên gốc nho dại Couder cho thu nhập nho đỏ 150 triệu đồng/ha/năm, nho xanh 250 triệu đồng/ha/năm. Thực hiện tuyển chọn giống bắp cho năng suất cao và ổn định như DR 888, 3Q, NK 54, NK 67, V98-2, CARGILL 919 trồng tập trung ở xã Phước Sơn, Phước Vinh, Mỹ Sơn, Tân Sơn… với diện tích hàng năm khoảng 9.000 ha. Đưa các giống mía mới như ROC 1, ROC 10, ROC 25, ROC 26, Quế đường 11,16, 17…trồng trình diễn và nhân rộng trên toàn tỉnh cho hiệu quả khá. Tuyển chọn một số giống mỳ có hàm lượng tinh bột cao như KM 32, KM 60, KM 94…góp phần đưa diện tích mỳ toàn tỉnh năm 2011 là 3.061 ha, năng suất đạt 21,55 tấn/ha/năm.
Cán bộ khuyến nông chuyển giao giống cừu lai đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân
Ảnh: Sơn Ngọc
Trong lĩnh vực chăn nuôi, với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, Trung tâm đã đưa về trên 240 bò đực ngoại, hàng ngàn liều tinh đông viên, tinh cọng rạ nâng tỉ lệ sind hoá đàn bò lên 34% với 36.288 con, tăng giá trị mỗi con bò cùng lứa tuổi từ 3-4 triệu đồng. Tuyển chọn 282 con dê cái bách thảo, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng giá trị dê thương phẩm và góp phần đưa tổng đàn dê toàn tỉnh từ 9000 con năm 1992 lên 59.310 con năm 2011. Hỗ trợ 335 con cừu giống cho các hộ dân làm cừu hoán đổi, phát triển 2.600 con cừu lai F1 từ 30 con cừu nhập từ Úc, giúp người người dân phát triển đàn cừu cả về số lượng, chất lượng và nâng cao giá trị hàng hoá. Trong lĩnh vực hải sản, Trung tâm thực hiện chuyển giao 24 mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ theo phương pháp “Tuần hoàn ít thay nước”, “Tuần hoàn khép kín”, nuôi thâm canh…giúp người dân tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. Triển khai mô hình trồng rong sụn thử nghiệm từ năm 1993 ở Phước Dinh đến nay phát triển rộng khắp các xã ven biển với diện tích 162,5ha, sản lượng 312,5 tấn khô, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho bà con miền biển.
Cây rong sụn góp phần nâng cao đời sống cho nông dân vùng ven biển các huyện Thuận Nam
Ảnh: Sơn Ngọc
Chuyển giao mô hình nuôi ao và nuôi lồng con ốc hương, nuôi ốc hương kết hợp ốc nhảy, nuôi ốc hương thương phẩm tại các xã Thanh Hải, Tri Hải, Khánh Hải (Ninh Hải) cho hiệu quả kinh tế cao, đến nay số lồng nuôi là 230 lồng và 13 ha mặt nước ao nuôi. Trong khai thác hải sản, triển khai ứng dụng mô hình vây rút chì cải tiến, sử dụng máy tầm ngư - định vị, máy dò ngang sona cho hiệu quả khai thác tăng từ 1,2 - 1,5 lần, đưa sản lượng khai thác hàng năm đạt 250 - 300 tấn hải sản. Triển khai việc ứng dụng bảo quản cá và mực bằng khay nhựa cho nghề giã cào ở phường Đông Hải cho chất lượng sản phẩm tăng lên 2 - 3 lần, kéo dài thời gian bám biển của ngư dân lên 10 - 12 ngày, giúp tăng năng suất khai thác và tiết kiệm chi phí. Ngoài việc triển khai chuyển giao, ứng dụng các mô hình, con, cây trong sản xuất nông nghiệp cho người dân, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị trong ngoài tỉnh mở hàng trăm lớp cho hàng chục ngàn để tập huấn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc tiếp cận và hưởng lợi từ hoạt động khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn tỉnh. Với những đóng góp tích cực trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tinh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen.
Thanh Tâm