Báo cáo KT-XH
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 28/10, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2012.
Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực và theo đúng các mục tiêu đã đề ra.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả; xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra và cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu, tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, đạt kết quả tốt; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi; chỉ số tồn kho giảm dần; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từng bước được tháo gỡ; an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.
Cụ thể, về việc thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng CPI tháng 10 đã giảm so với tốc độ tăng của tháng trước. CPI tháng 10 tăng 0,85% so với tháng trước; tăng 6,02% so với tháng 12/2011 và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước.
Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng 9; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng trên 11,7%; nhập siêu 500 triệu USD. Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 93,8 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 10 tháng đầu năm khoảng 357 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong bối cảnh khó khăn, song sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2011. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Ước sản lượng lúa cả năm 2012 sẽ tăng khoảng 0,7 triệu tấn so với năm trước.
Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Trong 10 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 17,1% so với cùng kỳ năm 2011; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 11,2%. Các lĩnh vực dịch vụ khác phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Riêng về lao động, việc làm, trong 10 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm khoảng 1.195 nghìn lao động, đạt trên 78,7% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 64,8 nghìn người, đạt 72% kế hoạch năm.
Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tích cực và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão, lũ, hạn hán, khẩn trương phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; hỗ trợ cứu đói và trợ cấp xã hội; đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm; triển khai chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm bắt buộc cho người lao động...
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế xã-hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định; còn tiềm ẩn lạm phát cao trở lại; tăng trưởng kinh tế chậm hơn mục tiêu đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động cũng như tăng trưởng kinh tế; sản xuất công nghiệp tăng chậm; đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là người lao động mất việc làm, người dân tộc thiểu số vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt, theo dõi,
bám sát diễn biến tình hình, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội
đã đề ra của năm 2012, tạo tiền đề phát triển cho năm 2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tập trung gỡ "nút thắt" cho nền kinh tế
Theo ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ, nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm 2012 và thời gian tới là cần tiếp tục dành ưu tiên cao độ cho việc giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, với mức độ tăng CPI của 10 tháng qua và dự báo tình hình trong 2 tháng còn lại của năm 2012, mục tiêu giữ CPI của cả năm 2012 ở mức khoảng 8% là khả quan và có cơ sở. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quản lý, điều hành cung cầu hàng hóa, thị trường; đảm bảo đủ nguồn cung về lương thực, thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu cho đời sống vào những tháng cuối năm; tránh tình trạng mất cân đối cung cầu, tác động bất lợi lên mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Sau khi phân tích sự trầm lắng, những khó khăn của thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường này là cần thiết, bởi nếu thị trường bất động sản khó khăn không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp bất động sản mà còn làm ảnh hưởng tới ngành sản xuất vật liêu xây dựng, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp cùng với các Bộ, ngành chức năng rà soát các dự án phát triển nhà ở cũng như thực hiện các khảo sát, đánh giá cần thiết một cách tổng thể hơn về thị trường bất động sản; đồng thời đề xuất cần tiếp tục tập trung mạnh vào thực hiện các giải pháp ưu tiên giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách xã hội.
Trao đổi về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ các giải pháp mà Bộ xây dựng đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt bày tỏ đồng tình cao với quan điểm cần trung mạnh vào thực hiện các giải pháp ưu tiên giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách xã hội.
Các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh cho rằng để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời giữ được tăng trưởng ở mức hợp lý trong năm 2012 đòi hỏi tiếp tục cần một sự nỗ lực rất lớn của các Bộ, ngành, địa phương trong những tháng cuối năm nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra cho cả năm 2012. Các Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu, hàng tồn kho; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm thiểu chi phí hành chính cho người dân, doanh nghiệp; nhân rộng mô hình một cửa, một cửa liên thông; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất việc tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản suất, kinh doanh; chấn chỉnh hoạt động đầu tư cơ bản; tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp; thúc đẩy mạnh hơn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Đề cập đến việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế làm việc với các địa phương chưa công bố điều chỉnh giá dịch vụ y tế để thống nhất lộ trình thực hiện việc điều chỉnh theo hướng lùi thời hạn áp dụng; đồng thời đề nghị các địa phương có chương trình đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm, nhất là vào dịp Têt Nguyên đán.
Xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm và chăn nuôi, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh các địa phương phải làm quyết liệt hơn nữa việc đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho thị trường; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư... cũng là những vấn đề lớn được nhiều thành viên Chính phủ đề cập và nhấn mạnh tại phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải,
Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh dự phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu KT-XH đã đề ra
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, theo dõi, bám sát diễn biến tình hình, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra của năm 2012, tạo tiền đề phát triển cho năm 2013 và các năm tiếp theo.
Theo đó, trước hết, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012 ở mức khoảng 8%. Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; không để giá cả lương thực, thực phẩm tăng đột biến trong dịp cuối năm, làm tốt công tác quản lý giá cả thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá, đẩy giá lên cao.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu bằng các giải pháp quyết liệt, triệt để. Song song với đó là cần sớm hoàn thiện Đề án tổng thể về xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước kiên quyết chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống ngân hàng; công khai, minh bạch trong hoạt động tái cơ cấu ngân hàng, đồng thời quản lý chặt chẽ thị trường vàng; công khai, minh bạch trong việc thực hiện cách chính sách liên quan đến vàng, việc phát triển thị trường vàng.
Thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tín dụng, đảm bảo ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát; tăng cường công tác quản lý thu chi ngân sách; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; giữ mức bội chi ngân sách theo kế hoạch đã đề ra.
Đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Cùng với thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần hết sức lưu ý tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2012 ở mức hợp lý.
Theo đó, phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là với những ngành, lĩnh vực được coi là lợi thế như sản xuất nông nghiệp; phát triển du lịch, dịch vụ. Tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó là tiếp tục xây dựng các phương án, chính sách phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp nhất là hàng tồn kho là vật liệu xây dựng. Đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý cần tiếp tục quan tâm đến đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; giải quyết nhà ở cho hộ nghèo, ngưới có thu nhập thấp; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm một cách thường xuyên và liên tục; xử lý dứt điểm 528 vụ khiếu nại, tố cáo còn tồn động, kéo dài, hạn chế tối đa các vụ khiếu nại mới.
Cuối cùng, nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác thông tin truyên truyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên tuyền; thông tin một cách khách quan, trung thực về những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khắc phục, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012 và các năm tiếp theo; tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập.
*Tại phiên họp, Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Nguồn Chinhphu.vn