Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến
khác nhau của dự thảo Luật xuất bản (sửa đổi). (Ảnh: dangcongsan.vn)
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật xuất bản (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Trong buổi làm việc, đã có 24 đại biểu Quốc hội của 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Thành lập nhà xuất bản; Tổ chức, nhân sự của nhà xuất bản; Liên kết xuất bản; Xuất bản điện tử; In, phát hành xuất bản phẩm; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản…
Về đối tượng thành lập nhà xuất bản và loại hình tổ chức nhà xuất bản tại Điều 11, theo đại biểu Lê Hữu Phước tỉnh Bình Dương: Theo Điều 11 của dự thảo Luật xuất bản sửa (đổi lần) này lại quy định đối tượng thành lập nhà xuất bản chỉ là những tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập của Trung ương và địa phương. Còn mô hình hoạt động là đơn vị hành chính sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Như vậy, theo dự thảo luật thì tư nhân vẫn không được tham gia thành lập nhà xuất bản. Theo đại biểu Lê Hữu Phước, để xã hội hóa hoạt động xuất bản, Luật xuất bản (sửa đổi) lần này nên mở rộng đối tượng và mô hình nhà xuất bản cho phép tư nhân tham gia thành lập nhà xuất bản để phát huy thế mạnh của lực lượng tư nhân trong lĩnh vực này nhằm tạo điều kiện cho nhà sản xuất năng động hơn, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng cần quy định chặt chẽ các điều kiện thành lập nhà xuất bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất bản, tránh tình trạng thành lập nhà xuất bản để bán giấy phép. Mặt khác, Nhà nước nên mạnh dạn cổ phần hóa các nhà xuất bản hiện nay và chỉ nên giữ lại những nhà xuất bản phục vụ các nhiệm vụ chính trị xã hội.
Tại Điều 10 quy định đối với các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, đại biểu Nguyễn Thu Anh tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Quy định tại Điều 10 còn rất chung chung, cần được quy định cụ thể hơn các hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản, không nên chỉ nêu các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật, đồng thời nên quy định cụ thể thế nào là thuần phong mỹ tục để có sự áp dụng thống nhất chung. Hiện nay tình trạng xuất bản sách dưới hình thức sử dụng giấy phép tạp chí đã xảy ra rất nhiều, đây chính là kẽ hở của pháp luật, đề nghị nên bổ sung đưa hành vi này vào quy định ở các hành vi bị cấm để hạn chế tình trạng này.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Về xuất bản liên kết tại Điều 23, đại biểu Hà Sỹ Đồng tỉnh Quảng Trị cho rằng: Thực tế cho thấy hoạt động này đang có những hạn chế cần được khắc phục. Đại biểu nêu ví dụ nhiều trường hợp xuất bản phẩm được đối tác liên kết phát hành trước khi nộp lưu chiểu, thậm chí phát hành không cần lệnh của giám đốc nhà xuất bản. Nhiều trường hợp tác phẩm có nội dung sai trái không được phát hiện xử lý vẫn lọt ra thị trường. Nguyên nhân của những hạn chế nói trên là nhiều nhà xuất bản buông lỏng quản lý, chỉ biết bán giấy phép xuất bản thu tiền, phó mặc cho đối tác liên kết thực hiện toàn bộ các khâu từ tổ chức bản thảo, biên tập, định giá đến phát hành. Rất tiếc là dự thảo luật lần này không những không bổ sung các chế tài để chấn chỉnh tình trạng trên mà còn buông lỏng trách nhiệm quản lý của nhà xuất bản.
Về quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản, đại biểu Lê Đắc Lâm tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, xuất bản là hoạt động văn hóa, tư tưởng, thông qua việc sản xuất, phổ biến các xuất bản phẩm đến nhiều người, ảnh hưởng của xuất bản phẩm lan truyền rất nhanh và rộng rãi trong xã hội đến tâm lý, tư tưởng của mọi người. Vì vậy, xuất bản phẩm là hàng hóa đặc biệt. Nếu xuất bản phẩm là sản phẩm có giá trị sẽ có tác dụng ảnh hưởng rất lớn nhưng ngược lại nếu là một sản phẩm độc hại thì hậu quả để lại trong xã hội rất khôn lường. Đại biểu Lê Đắc Lâm nhất trí việc quy định phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoạt động xuất bản phải thực sự chặt chẽ, có phân cấp quản lý về hoạt động xuất bản giữa Trung ương, địa phương và cơ sở, đồng thời trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.
Đại biểu Lê Đắc Lâm tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Đại biểu Lê Đắc Lâm cũng đề nghị Nhà nước cần có chiến lược quy hoạch phát triển mạng lưới các nhà xuất bản, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về thuế, lãi suất vay vốn, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, ưu đãi về tiền thuê nhà đất, chính sách trợ giá, trợ cước. Những chính sách này luật cũng đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết những chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển, tuy nhiên trong thứ tự ưu tiên cần quan tâm đến các cơ sở xuất bản, cơ sở in, thực hiện nhiệm vụ chính trị phục vụ thông tin đối ngoại, nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, phục vụ các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phục vụ thiếu nhi.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam