Thu nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, sáng 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; dự án Luật Thủ đô; dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); nghe Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Duy trì 2% ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ (KH&CN) theo quy định của Luật KH&CN hiện hành

Theo Tờ trình, dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) (sửa đổi) gồm 80 điều, được chia thành 8 chương (bỏ 17/59 điều, sửa đổi 42/59 điều của Luật KH&CN hiện hành, đồng thời bổ sung 38 điều mới).

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Luật KH&CN hiện hành được ban hành cách đây 12 năm. Khi đó, Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO, chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, chưa vượt qua ngưỡng của một nước kém phát triển và chưa có hệ thống luật pháp đồng bộ về KH&CN. Từ đó đến nay, hệ thống văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện rất căn bản. Quốc hội đã ban hành nhiều luật về các lĩnh vực KH&CN chuyên ngành. Luật KH&CN hiện hành đã bộc lộ một số bất cập về nội dung cũng như hình thức văn bản. Có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành; nhiều điều, khoản quy định còn chung chung, hiệu lực thực thi pháp luật thấp. Vì vậy, Luật KH&CN cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KH&CN; bảo đảm tính phù hợp cả về nội dung cũng như hình thức văn bản và được cập nhật để đáp ứng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế...

 

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Thẩm tra Báo cáo dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhất trí với những căn cứ khẳng định về sự cần thiết sửa đổi Luật KH&CN (năm 2000) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh thêm, việc sửa đổi Luật KH&CN lần này còn nhằm đáp ứng đòi hỏi của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu dựa vào việc áp dụng các thành tựu KH&CN.

Thẩm tra về cơ chế tài chính và tín dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhất trí cho rằng, một trong những vướng mắc lớn, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động KH&CN hiện nay chính là cơ chế tài chính. Vì vậy, việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN cho phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN là rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ chế đổi mới này ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật KH&CN (sửa đổi). Tuy nhiên, việc thay đổi cơ chế tài chính có liên quan đến các văn bản pháp luật về tài chính, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước (đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung). Do đó, đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép quy định có tính đột phá, đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN theo những quan điểm mới trong Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6; đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này và có đề xuất cụ thể, để vừa bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật, nhưng thể hiện rõ cơ chế đặc thù cho lĩnh vực KH&CN được coi là quốc sách.

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần có các quy định cụ thể hơn để buộc doanh nghiệp (tùy loại hình và quy mô doanh nghiệp) dành tỷ lệ thích hợp lợi nhuận trước thuế cho hoạt động KH&CN hoặc hình thành quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; đồng thời, quy định cơ chế phù hợp tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn kinh phí này. Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến nêu trên.

Về các vấn đề liên quan đến đổi mới cơ chế tài chính và tín dụng cho hoạt động KH&CN mà Chính phủ xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhận thấy, đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết. Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm quản lý thống nhất về KH&CN của Bộ KH&CN, trách nhiệm của Chính phủ trong phân bổ và sử dụng 2% ngân sách nhà nước cho KH&CN theo quy định của Luật KH&CN hiện hành, cũng như các ý kiến còn khác nhau trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN trong việc quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí của Nhà nước. Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho rằng, duy trì ngân sách cho KH&CN ở mức 2% như quy định tại khoản 1 Điều 53 là hợp lý, nhưng đề nghị cần tập trung đổi mới quản lý để phân bổ, sử dụng ngân sách hiệu quả hơn...

Nhìn chung, dự án Luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, tích cực, đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật. Đề nghị Ban soạn thảo chuẩn bị bản tiếp thu, giải trình bổ sung trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nêu trong bản thẩm tra này gửi đại biểu Quốc hội trước khi thảo luận. Sau Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật cũng như chỉnh sửa về kỹ thuật lập pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thu nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Ngay sau đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Dự thảo Luật quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng; đồng thời bổ sung quy định: Khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC.

Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân do Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày cho thấy, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành với mức GTGC như quy định của dự thảo Luật nhằm bảo đảm phù hợp hơn với diễn biến chỉ số CPI và sức mua của VND; đáp ứng tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2014 và những năm tiếp theo; giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP; tăng cường nguồn lực cho chi phí ngày một cao đối với y tế, giáo dục, văn hóa; góp phần kích cầu, khuyến khích tiêu dùng; thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu.

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo
thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban, việc nâng mức GTGC lên như quy định trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến một số hệ quả sau:

Thứ nhất, việc nâng mức GTGC sẽ làm thay đổi mục tiêu ban đầu của Luật Thuế Thu nhập cá nhân đã được Quốc hội khóa XII thông qua là “số người nộp thuế từng bước được tăng lên, ngày càng nhiều người có thu nhập từ mức trung bình trở lên trong xã hội, có cơ hội làm quen dần với sắc thuế này và thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước”.

Theo Tờ trình số 244/TTr-CP ngày 22/9/2012 của Chính phủ, cả nước hiện chỉ có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế Thu nhập cá nhân (chỉ chiếm 4,4% dân số cả nước). Nếu nay sửa đổi Luật theo hướng nâng mức GTGC như trong dự thảo Luật thì dẫn đến thu hẹp đối tượng phải nộp thuế, chỉ còn khoảng 1 triệu người, giảm quá lớn so với hiện nay và chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người có thu nhập. Tương tự như vậy, số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế Thu nhập cá nhân cũng giảm khá lớn; không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi Luật thời gian qua.

Thứ hai, việc nâng mức GTGC sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách nhà nước (năm 2013, giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.200 tỷ đồng; năm 2014, giảm thu khoảng 13.350 tỷ đồng), sẽ làm giảm nguồn lực để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách.

Về quy định điều chỉnh mức GTGC khi giá cả biến động, dự thảo Luật quy định: Trường hợp giá thị trường biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC nhằm bảo đảm phù hợp về thẩm quyền quyết định chính sách thuế theo đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, song vẫn đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong xử lý các tình huống bất thường.

Nhưng có ý kiến cho rằng, nên giao Chính phủ quy định để bảo đảm tính chủ động khi giá cả biến động bất thường.

Về thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng: Không nên thu thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán nhằm khuyến khích hoạt động này, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn nhằm phát triển thị trường này thành một kênh huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách, cần thiết phải thu thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán, vì về nguyên tắc, có thu nhập từ đầu tư thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế bình đẳng như mọi khoản thu nhập khác, song việc nộp thuế Thu nhập cá nhân từ đầu tư chứng khoán phải đúng bản chất là có thu nhập mới tính thuế.

Ngoài ra, một số ý kiến trong Ủy ban còn nhận xét về Biểu thuế suất hiện hành quy định 7 bậc thuế là khá nhiều, chưa điều tiết hợp lý thu nhập với người có thu nhập cao. Vì vậy, đề nghị sửa đổi Biểu thuế suất theo hướng giãn khoảng cách các bậc thuế hiện hành xuống còn 5 bậc với các mức thuế suất 5%; 10%; 15%; 25% và 35%.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô; nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô; nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam