Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thái Lan tiếp tục được duy trì và phát triển tốt. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2011, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã chủ động đề xuất nâng quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào mừng Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra
thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2011. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Trong năm 2011, hai nước đã tổ chức trọng thể các hoạt động kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (6/8/1976 - 6/8/2011). Hai bên thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc các cấp.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 19 (Bali, Indonesia, từ 17-19/11/2011); tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á tại Bangkok (từ 30/5-1/6/2012); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm chính thức Thái Lan (tháng 6/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Thái Lan (6/2/2012)…
Về phía Thái Lan, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan thăm Việt Nam (8-11/10/2011), Thủ tướng Yingluck Shinawatra thăm Việt Nam (30/11/2011); Chủ tịch Thượng viện thăm Việt Nam (22-23/12/2011)…
Hợp tác an ninh, quốc phòng, đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia gần đây có những tiến triển tốt, hai bên phối hợp tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, hai bên cam kết ngăn chặn bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này hoạt động chống lại nước kia, đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ mỗi nước trong giải quyết vấn đề ASEAN và Mekong.
Hợp tác quốc phòng tiếp tục được thúc đẩy trên cả khuôn khổ song phương và đa phương như ADMM, ADMM+, ARF. Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan đến Việt Nam từ 25-27/9, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác quốc phòng giữa Thái Lan và Việt Nam, tạo cơ sở thiết lập cơ chế hợp tác trong lĩnh vực quân sự và đưa quan hệ quốc phòng hai bên đi vào chiều sâu.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển tốt đẹp. Kim ngạch thương mại Việt - Thái năm 2011 đạt xấp xỉ 8,17 tỷ USD. Việt Nam hiện là bạn hàng nhập khẩu thứ 9 và đối tác xuất khẩu thứ 17 của Thái Lan. Các mặt hàng của Việt Nam xuất sang Thái Lan chủ yếu các mặt hàng thuộc nhóm sắt thép, máy tính, linh kiện điện tử, thuỷ sản. Việt Nam nhập từ Thái Lan chủ yếu thuộc nhóm xăng dầu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, chất dẻo nguyên liệu.
Tính đến hết tháng 9/2012, Thái Lan có 292 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6 tỷ USD, đứng thứ 10 trong 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Từ tháng 1-9/2012, Thái Lan đã có 17 dự án cấp mới tại Việt Nam, đứng thứ 10/52 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam, tổng vốn đăng ký cấp mới là 63,9 triệu USD. Vốn FDI của Thái Lan tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 144 dự án, bình quân khoảng 36 triệu USD/dự án. Trong khi đó, Việt Nam có 7 dự án đầu tư sang Thái Lan với tổng vốn đầu tư 11,785 triệu USD.
Về các cơ chế hợp tác, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn Việt Nam sang Hua Hin, Thái Lan tham dự cuộc họp Nhóm công tác chung Việt Nam - Thái Lan về hợp tác chính trị và an ninh lần 5 (6-9/8/2012), hai bên đã thông qua nội dung Văn kiện Tầm nhìn an ninh Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2012-2016 và Chương trình công tác thực hiện Tầm nhìn giai đoạn 2012-2013.
Kỳ họp thứ nhất Ủy ban Hỗn hợp thương mại Việt Nam - Thái Lan được tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội, theo đó, hai bên phấn đấu tăng kim ngạch trao đổi thương mại từ nay đến 2015 lên 20% mỗi năm; tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngày 15/5/2009 giữa hai nước về hợp tác gạo; thiết lập đường dây nóng để giải quyết kịp thời các vướng mắc (giữa 2 Bộ trưởng, 2 Vụ đầu mối).
Cuộc họp Tham khảo chính trị lần 2 giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam - Thái Lan được tổ chức ngày 24/8/2012, hai bên đã thảo luận về các nội dung hợp tác song phương, phương hướng thúc đẩy quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược và công tác chuẩn bị cho cuộc họp Nội các chung lần thứ 2 Việt Nam - Thái Lan.
Về hợp tác trong tuyến hành lang Đông - Tây (EWEC), trong cuộc gặp bên lề WEF Đông Á (31/5/2012), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan đều nhất trí rằng tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác về thủy hải sản nhân chuyến thăm Thái Lan của Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Thủy sản Vũ Văn Tám (từ ngày 26-30/6). Theo thỏa thuận, hai bên nhất trí hợp tác ngăn chặn và giải quyết tình trạng tàu cá hai nước vi phạm lãnh hải của nhau, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm về nuôi trồng, phòng chống và kiểm soát dịch bệnh thủy sản, thúc đẩy thương mại thủy sản giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí xúc tiến công tác chuẩn bị và đi tới ký kết Hiệp định công nhận lẫn nhau, về công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh hàng hóa thủy sản, thúc đẩy đầu tư liên doanh, hợp tác trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, đồng thời tăng cường hợp tác nghiên cứu, giáo dục đào tạo cán bộ kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực thủy sản.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, cả Việt Nam và Thái Lan đều tích cực tham gia xây dựng, ký kết và phê duyệt 3 Hiệp định đa biên ASEAN về tự do hóa hoàn toàn vận tải hàng hóa, tự do hóa hoàn toàn vận tải hàng không cùng các Nghị định thư thực hiện. 9 tháng đầu năm 2012, tổng vận chuyển trên thị trường hàng không Việt Nam - Thái Lan đạt 1,12 triệu lượt hành khách, 32 nghìn tấn hàng hóa. Thị phần Việt Nam đạt 25% về hành khách và 7% về hàng hóa (do chỉ vận chuyển kết hợp chuyến bay chở khách). Hiện Thái Lan đang mong muốn mở đường bay Khỏn Kèn (Thái Lan)-Hà Nội và Khỏn Kèn-TP. Hồ Chí Minh.
Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, hai nước tập trung chủ yếu vào vấn đề cung cấp học bổng và hỗ trợ nhau trong việc dạy tiếng Thái và tiếng Việt ở mỗi nước. Đáng chú ý, ngày 8/6/2012, Việt Nam đã phê chuẩn Hiến chương AIT do Viện Công nghệ châu Á (AIT) của Thái Lan khởi xướng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam với Thái Lan cũng như các nước tham gia Hiến chương.
Hiện nay có khoảng 100.000 Việt kiều đang sinh sống tại Thái Lan. Trong các chuyến thăm song phương vừa qua, phía Thái Lan khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều và các tổ chức Hội Việt kiều phát triển, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống, hội nhập và thành đạt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và gắn bó với quê hương, đất nước.
Cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần này sẽ đánh giá việc thực hiện những thỏa thuận đạt được tại cuộc họp Nội các chung lần thứ nhất (năm 2004); trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm và các biện pháp tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Nhân cuộc họp này hai bên đã ký 10 văn kiện hợp tác (5 tại Đà Nẵng và 5 tại Nakhon Phanom), gồm 3 văn kiện về chính trị-an ninh, 4 văn kiện về kinh tế và 3 văn kiện về giáo dục, y tế và khoa học công nghệ, trong đó nổi lên là Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Thái Lan trong thập kỷ đầu thế kỷ 21 và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế.
Nguồn www.chinhphu.vn