Chủ tịch nước thăm Đồn Biên phòng Tà Vát

Chủ tịch nước lưu ý, lực lượng biên phòng cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận để giữ vững an ninh vùng biên.

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, sáng 28/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác Trung ương đã đếm thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Vát và gặp gỡ với 30 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước để tìm hiểu về thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Điểm đến đầu tiên của Chủ tịch nước và đoàn Đồn Biên phòng Tà Vát đóng trên địa phận biên giới huyện Lộc Ninh.

Thay mặt cán bộ chiến sĩ, Đồn Biên phòng Tà Vát, Thượng tá Nguyễn Hải Lưu- Đồn trưởng đã báo cáo với Chủ tịch nước về một số hoạt động của đồn.

Với nhiệm vụ đảm bảo 16,108km đường biên giới chạy dọc theo sông Tôn Lê Chàm và quản lý 1 xã biên giới Lộc Thịnh, những năm qua, Đồn Biên phòng Tà Vát đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phối hợp với chính quyền xã Lộc Thịnh và huyện Mi Mốt của Campuchia giữ vững an ninh trật tự vùng biên, vận động tuyên truyền cho quần chúng nhân dân chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Hiệp định về quy chế biên giới.

Đặc biệt, Đồn Biên phòng Tà Vát đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Thịnh xây dựng và thực hiện thành công mô hình Câu lạc bộ phụ nữ đồng bào dân tộc thiếu số tham gia tự quản đường biên, cột mốc; đồng thời tích cực giúp đỡ bà con trong công tác khám chữa bệnh, kỹ thuật canh tác, giống cây trồng vật nuôi góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó đồn đã cùng ban ngành đoàn thể xã củng cố và xây dựng ấp Tà Thiết trở thành điểm sáng về văn hóa và trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao nỗ lực của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Tà Vát trong việc giữ vững an ninh trật tự vùng biên và giúp đỡ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế.

Chủ tịch nước lưu ý, là đơn vị đóng ở vị trí chiến lược lại là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tà Vát nói riêng và lực lượng biên phòng nói chung cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, gắn kết mật thiết với bà con để giữ vững an ninh vùng biên nhằm xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh qua đó xây dựng tuyến biên giới Lộc Ninh là tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển.

Tiếp đó, Chủ tịch nước và đoàn công tác đã có cuộc gặp gỡ với 30 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, năm qua, trong điều kiện kinh tế khó khăn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với những thách thức do thị trường bị thu hẹp, giá cả hàng hóa, đặc biệt là nông sản giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao, vốn ngân hàng khó tiếp cận... nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, hoạt động cầm chừng hoặc giải thể, phá sản.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng các doanh nghiệp nông-lâm nghiệp ở tỉnh Bình Phước hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn tự có thấp, lệ thuộc vốn vay, lệ thuộc thị trường nên khi nguốn vốn khó khăn, thị trường thu hẹp sẽ khó vượt qua.

Các doanh nghiệp đề nghị cần có chính sách hỗ trợ nhất là vốn cần mở rộng điều kiện và hạn mức vay; đồng thời tăng cao tỷ lệ cho vay trung và dài hạn; kiểm soát ổn định việc tăng giá xăng, dầu, điện nước.

Đây là những yếu tố quan trọng làm tăng chi phí đầu vào dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra hai mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp tỉnh Bình Phước là cao su và điều đến nay chưa có giải pháp hỗ trợ cụ thể, các doanh nghiệp và địa phương đề nghị cần có chính sách riêng cho phát triển hai loại cây này. Đồng thời, hỗ trợ để doanh nghiệp chế biến nông sản tham gia tìm hiểu, phát triển thị trường mới.

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Bình Phước là địa phương có lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp với các loại cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu và là điều kiện để phát triển ngành nghề chế biến nông sản, do đó cần phải tập trung đầu tư có chính sách để phát triển lĩnh vực này.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta đang thực hiện quyết liệt kìm chế lạm phát, do đó cũng tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sắp tới, Đảng, Nhà nước sẽ có giải pháp để vừa kim chế được lạm phát, đồng thời tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.

Nguồn vov.vn