“Chắp cánh” cho học sinh, sinh viên nghèo

(NTO) Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) đã “chắp cánh” cho hàng vạn HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi ước mơ học tập, trở thành điểm tựa vững chắc của HSSV trong tỉnh.

Một chính sách nhân văn

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, nhiều HSSV là con em các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có điều kiện trang trải chi phí học tập, bảo đảm không có trường hợp HSSV nào phải bỏ học. Tìm đến gia đình anh Nguyễn Minh Thạch, là nông dân trồng nho ở xã Phước Thuận (Ninh Phước) có hoàn cảnh khó khăn và cùng lúc nuôi 3 con ăn học, trong đó có 2 con đang học CĐ, ĐH, gặp và chia sẻ với anh mới thấy được giá trị và ý nghĩa nhân văn to lớn của chương trình tín dụng HSSV.

 
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hướng dẫn phụ huynh làm thủ tục vay vốn tín dụng ưu đãi học sinh, sinh viên.
Ảnh: Thanh Long

Gia đình anh Thạch làm nông, thu nhập dựa vào mùa vụ trong khi mọi khoản chi phí: tiền trường, tiền nhà, tiền sinh hoạt của 2 người con ở TP.Hồ Chí Minh đều phải chu cấp đều đặn mỗi tháng trung bình 1,5 triệu đồng/người. Số tiền đó đối với một gia đình nông dân quả là không mấy dễ dàng. Từ năm 2008, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh có chương trình cho HSSV vay vốn, con gái anh được vay 4 triệu đồng/học kỳ - số tiền không nhỏ để hỗ trợ cho việc học tập và sinh hoạt. Hiện nay, con gái đầu của anh Thạch đã tốt nghiệp Trung cấp Kế toán có việc làm ổn định, con gái thứ 2 cũng đang được hưởng chương trình vay hỗ trợ HSSV để học ĐH.

Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh:
Với những kết quả qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 157/QĐ-TTg, khẳng định Chương trình tín dụng đối với HSSV là chương trình thực sự có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hoá cao từ lúc tạo lập, quản lý, phân bổ nguồn vốn đến việc cho vay, kiểm tra, giám sát, sử dụng vốn vay, trả nợ khi đến hạn. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Chung hoàn cảnh với gia đình anh Thạch, gia đình chị Trần Thị Bụi ở thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) hiện cũng đang có 3 con đang đi học, trong đó 2 con gái lớn là Trần Thị Loan đang học ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và Trần Thị Lũy đang học ở TP.Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, anh chị phải gửi cho mỗi con 2 triệu đồng tiền học tập, chi tiêu trong cuộc sống. Khoản tiền 4 triệu đồng mỗi tháng cho con học đại học không hề nhỏ đối với một gia đình làm nông như anh chị. Chính vì vậy, nguồn vay từ chương trình hỗ trợ HSSV thật sự là một nguồn động viên quý giá. Kể từ đó, gia đình anh yên tâm nuôi con ăn học và cố gắng làm kinh tế lấy tiền trả nợ ngân hàng đúng kỳ hạn.

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ nông dân có con em được vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để theo đuổi con đường học tập. Chương trình đã giúp nhiều gia đình khắc phục khó khăn tiếp tục cho con đến trường, thực hiện ước mơ lập thân, lập nghiệp. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, nhiều HSSV là con em các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có tiền để trang trải chi phí học tập. Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình tín dụng đối với HSSV có hiệu lực, tạo phấn khởi trong đông đảo người dân. Đây là một chính sách đầu tư chiến lược cho con người, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo bình đẳng trong học tập và hướng tới sự công bằng xã hội.

Nguồn vốn đủ, cho vay hiệu quả bền vững

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết, doanh số cho vay từ khi triển khai thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg đến nay đạt 407,43 tỷ đồng, với 25.024 lượt HSSV được vay, bình quân mỗi HSSV được vay 14,19 triệu đồng. Đối tượng là hộ nghèo chiếm 9,5% tổng số hộ vay, đối tượng là hộ cận nghèo chiếm 87,1%, đối tượng là hộ gặp khó khăn về tài chính chiếm 3,34%, còn lại là HSSV thuộc diện mồ côi.

 
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hướng dẫn phụ huynh làm thủ tục vay vốn ưu đãi cho HSSV ở xã Phước Vinh (Ninh Phước).
Ảnh: Văn Miên

Để thực hiện tốt chương trình, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh luôn chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát để hạn chế những tiêu cực phát sinh, bảo đảm đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đơn vị đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các hội, đoàn thể kiểm tra quản lý, sử dụng vốn vay tại 7 huyện, thành phố. Qua kiểm tra thực tế cho thấy các trường, các địa phương đã triển khai nghiêm túc chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, tiền vay được sử dụng đúng mục đích vào hỗ trợ chi phí học tập, nguồn vốn được giải ngân kịp thời, không để tồn đọng. Đặc biệt, việc cho vay có bình xét, tham gia của các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn ở ngay thôn, xóm của các hội, đoàn thể nhận ủy thác và xác nhận của UBND cấp xã nên tính minh bạch cao, tạo sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân đối với chương trình tín dụng ưu đãi cho HSSV.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng đối với HSSV, chính quyền và đoàn thể địa phương cần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc xác nhận gia đình HSSV thuộc đối tượng được vay vốn; kịp thời thống kê số lượng HSSV có nhu cầu vay vốn để xét duyệt, bổ sung kế hoạch cho vay, chú trọng đến đối tượng HSSV học nghề. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh kết hợp với mạng lưới các trường và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chương trình tín dụng ưu đãi, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại cơ sở, bảo đảm nguồn vốn cho HSSV vay được sử dụng đúng mục đích. Kịp thời ngăn chặn những trường hợp sai phạm cho vay không đúng đối tượng và sử dụng vốn sai mục đích, có biện pháp xử lý, thu hồi nợ.

Cũng theo ông Trần Ngọc Tú, thời gian tới ngành bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt chương trình tín dụng đối với HSSV hàng năm. Tập trung huy động mọi nguồn vốn, trong đó tranh thủ tốt nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn thu hồi nợ đến hạn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV hàng năm. Giải ngân kịp thời cho đối tượng vay vốn theo quy định. Thu hồi và xử lý tốt nợ đến hạn, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn chương trình cho vay HSSV dưới 2%.