Tuy nhiên, khách chỉ đến và đi trong ngày, do các điểm kinh doanh dịch vụ - du lịch trên địa bàn huyện chưa đáp ứng nhu cầu của khách tới tham quan, lưu trú. Dự án Khu du lịch Bình Tiên chậm hoàn thành cũng làm hạn chế phát triển du lịch của địa phương. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong những năm tiếp theo, huyện Thuận Bắc chú trọng đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch. Trong đó phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, giá trị của tài nguyên du lịch, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng, tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi.
Hệ thống ngân hàng và viễn thông phát triển tạo động lực đưa du lịch huyện Thuận Bắc phát triển.
Ảnh: Sơn Ngọc
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Thuận Bắc đã đề ra các giải pháp chủ yếu, đó là: Đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để Khu du lịch biển Bình Tiên sớm đi vào hoạt động. Phát huy thế mạnh của địa phương nằm dọc theo Quốc lộ 1A, gần cảng hàng không và cảng biển Cam Ranh; đẩy nhanh tiến độ hình thành các điểm du lịch, khu du lịch sinh thái theo hướng gọi vốn đầu tư; phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp-làng nghề, định hướng phát triển và khôi phục làng nghề theo sản phẩm như: nghề rượu cần, nghề đan lát mây, tre, nứa cói. Xây dựng mô hình trang trại kết hợp với du lịch sinh thái và đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch các điểm du lịch suối Tiên, Ba Hồ, suối Kiền Kiền, Ma Trai, Núi Chúa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện đến năm 2020, cơ cấu kinh tế huyện sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch-dịch vụ. Đến năm 2015, chiếm 17,3% và đến năm 2020 du lịch-dịch vụ chiếm 25,1%, phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 244 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 687 tỷ đồng. Trong cơ cấu sản xuất, đến năm 2020 ngành Du lịch chiếm 60%, thương mại, dịch vụ 40%.
Hồ chứa nước Sông Trâu- điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Thuận Bắc. Ảnh Văn Miên
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực tại địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương và nguồn vốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hoàn thiện cơ sở vật chất, phát triển kết cấu hạ tầng; nâng cấp các công trình giao thông, bưu chính -viễn thông, điện, nước sinh hoạt phục vụ cho du lịch. Trong giai đoạn 2011-2015 sẽ phấn đấu hoàn thành các công trình nước phục vụ khu du lịch phía Bắc, với công suất 6.000 m3 /ngày-đêm tại xã Công Hải; khu du lịch nghỉ dưỡng và Khách sạn Ma Trai tại xã Phước Chiến, công suất 6.000m3/ ngày- đêm; các trạm cung cấp nước sạch tại các xã công suất 4.100 m3/ngày-đêm, qua đó sẽ góp phần đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ cho phát triển du lịch, thương mại. Song song với việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn và các loại hình dịch vụ tiện ích khác; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó xây dựng các chương trình khai thác văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc để thu hút du khách. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng trong nhân dân đối với phát triển du lịch; xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, mến khách, bảo vệ mội trường và đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến du lịch; thường xuyên đổi mới sản phẩm du lịch nhằm tăng sức hút đón khách đến với Thuận Bắc cũng như thu hút khách tới tham quan tại các điểm du lịch.
Với những giải pháp đặt ra, cùng với những bước đi thích hợp trong phát triển du lịch chung của tỉnh, trong tương lai không xa, du lịch Thuận Bắc sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh và huyện phát triển bền vững.
Trúc Phương