Bệnh viêm màng não mô cầu có phòng được không?

Gần đây, bệnh viêm màng não mô cầu tái phát ở một số địa phương và riêng tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã có 12 trường hợp mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Viêm não do vi khuẩn não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm và có nguy cơ thành dịch bệnh. Người nào chưa có miễn dịch với vi khuẩn não mô cầu đều có khả năng mắc bệnh. Nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh nặng, tử vong. Tuy vậy, bệnh này có thể đề phòng được.

Vi khuẩn não mô cầu gây bệnh thế nào?

Bệnh viêm não mô cầu là do một loại vi khuẩn gây nên chứ không phải do virut (Neisseria meningitidis). Viêm màng não mô cầu là bệnh lây nhiễm và có khả năng thành dịch. Bệnh rất nguy hiểm vì có khả năng gây tử vong (5 - 10%) và có thể để lại di chứng nặng nề nếu khỏi bệnh.

Vi khuẩn não mô cầu có hình hạt cà phê, gây bệnh bằng nội độc tố. Não mô cầu có nhiều týp huyết thanh khác nhau, týp A thường gây nên các vụ dịch lớn, týp B chủ yếu gây các vụ dịch tản phát và týp C lại có khả năng vừa gây dịch lớn vừa gây dịch tản phát, lẻ tẻ. Đường lây bệnh chủ yếu theo đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi và cũng có thể lây qua dụng cụ, quần áo, đồ dùng sinh hoạt bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu. Có một tỷ lệ đáng kể người lành mang vi khuẩn không triệu chứng, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng gây bệnh. Vi khuẩn xâm nhập được vào bên trong cơ thể người lành nhờ một loại enzym (men) có tên là hyaluronidase. Đồng thời vi khuẩn này cũng tiết ra men kháng lại kháng thể IgA. Từ mũi, họng, vi khuẩn vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết, khi vào khoang não tủy sẽ gây viêm màng não. Tại đây vi khuẩn não mô cầu có thể gây viêm cả 3 loại màng não. Lúc đầu do kích thích của độc tố gây nên dịch rỉ viêm và sau đó nhanh chóng hóa thành mủ. Mủ sẽ đặc lại và gây bít tắc các lỗ thông dịch làm tắc nghẽn dịch não tủy. Dịch viêm cũng có khả năng làm chèn ép các dây thần kinh số II, III, IV, VI, gây mù lòa và lác mắt. Mặt khác, khi vi khuẩn đã vào mạch máu, tại các mao quản chúng nằm trong tế bào nội mạc, tại đây vi khuẩn não mô cầu phát triển nhanh chóng làm tắc các mao mạch, gây vỡ mạch, xuất huyết và hoại tử tổ chức được thể hiện bởi các triệu chứng lâm sàng.

 
Nên vệ sinh lớp học khi có học sinh nhiễm viêm não mô cầu.

Biểu hiện bệnh viêm màng não mô cầu 

Bệnh viêm màng não do não mô cầu rất đa dạng, từ viêm họng, mũi đến nhiễm khuẩn huyết, viêm não. Và thời kỳ ủ bệnh (nung bệnh) cũng rất khác nhau (từ 1 - 10 ngày).

Đối với viêm mũi, họng thường có sốt cao từ 38 - 39oC, rát họng nhiều, đau đầu, chảy mũi nước trong hoặc có kèm theo mủ. Sốt chỉ kéo dài từ 1 - 5 ngày. Các tổ chức ở họng, mũi sung huyết, viêm (amiđan, màn hầu, tổ chức họng, cuốn mũi...). Bệnh lành tính sẽ qua khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy vậy, cũng có khoảng từ 30 - 50% trường hợp viêm họng, mũi kết hợp với nhiễm khuẩn huyết. Có 2 loại bệnh do não mô cầu gây nên hết sức nguy hiểm, đó là loại nhiễm khuẩn huyết và loại viêm màng não mủ.

Đối với thể nhiễm khuẩn huyết, bệnh thường xảy ra đột ngột, khoảng 40 - 41oC. Sốt cao liên tục hoặc dao động, kèm theo rét run, đau mỏi các cơ, khớp toàn thân. Dấu hiệu ban xuất huyết “hình sao” do hoại tử nội mạch dưới da. Đây là một dấu hiệu điển hình. Ban xuất hiện sớm khoảng từ 5 - 15giờ hoặc muộn hơn. Ban có các đặc điểm như: ban xuất hiện toàn thân và thường ở các đầu ngón chân, tay, vành tai, cánh mũi.

Kích thước của mỗi ban không đồng đều từ 1 - 2mm, có thể to hơn, bờ nham nhở không tròn, có xu hướng lan rộng ra và chập lại với nhau. Đặc biệt, các nốt ban to và ở trung tâm có nốt đen, sau đó tạo thành nốt phỏng rồi hóa thành mủ. Ngoài ra, gan, lách to ra nhanh (khám lâm sàng và siêu âm phát hiện). Huyết áp giảm dần và có thể tụt trong trường hợp sốc nhiễm khuẩn. Xét nghiệm máu ngoại vi (công thức máu) sẽ thấy bạch cầu tăng cao, tốc độ máu lắng tăng.

Đối với thể viêm màng não và viêm màng não - não thì sau sốt cao đột ngột là mệt mỏi và đau đầu nhiều. Xuất hiện các dấu hiệu của hội chứng màng não sớm, điển hình như nhức đầu dữ dội, nôn vọt, táo bón. Người bệnh nằm tư thế “cò súng” (thường gặp ở trẻ em do tăng trương lực cơ gấp để làm cho giảm đau), xuất hiện dấu hiệu cứng gáy, Kernig, Babinski và vạch màng não dương tính. Trong trường hợp gây phù nề não (thể viêm màng não, phù não kịch phát) thường vật vã, mạch chậm, huyết áp tăng vọt, rối loạn hô hấp và hôn mê. Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp vào những giờ đầu (trong vòng 48 giờ), hiếm hơn là vào 2 - 3 ngày sau.

Phòng bệnh bằng cách nào? 

Có thể phòng bệnh não mô cầu một cách chủ động. Ở nơi đang có dịch xảy ra thì cách phòng bệnh tốt nhất là cách ly người bệnh không để tiếp xúc với người lành, đặc biệt là trẻ em. Trong một khoa, buồng bệnh có người bệnh não mô cầu thì cần đeo khẩu trang cho người bệnh, người lành và cả người phục vụ vì vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp. 

Môi trường sống ở nơi có người bệnh viêm não mô cầu cần được phun thuốc diệt vi khuẩn. Các dụng cụ, đồ dùng sinh hoạt của người bệnh cần vệ sinh, tẩy uế thật sạch như ngâm vào nước đang đun sôi hoặc ngâm vào dung dịch cloramin B... Với các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu thì cần được uống hoặc tiêm kháng sinh dự phòng tùy theo từng loại kháng sinh và tùy theo lứa tuổi. Dùng kháng sinh gì và liều lượng ra sao cần phải có đơn của bác sĩ khám bệnh, tuyệt đối không tự mua thuốc dùng cho bản thân, người thân hoặc con, em mình. 

Việc phòng bệnh có hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng ngừa cho mọi đối tượng chưa có miễn dịch chống lại vi khuẩn não mô cầu hoặc những người chuẩn bị đến các vùng có dịch bệnh não mô cầu. Cũng cần lưu ý là khi nghi ngờ trẻ bị bệnh viêm não mô cầu cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc do chủ quan hoặc chần chừ hoặc tự chẩn đoán và tự mua thuốc điều trị.

Nguồn suckhoedoisong.vn