Dự kiến xây dựng lộ trình tăng thuế, giá thuốc lá để ngăn ngừa sử dụng

Dự thảo Chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2012-2020 đang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thanh thiếu niên (từ 15 – 24 tuổi) từ 26% xuống 18%; tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 47,4% xuống còn 39%; còn tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm xuống dưới 1,4%

 
Phấn đấu giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc lá từ 47,4% xuống còn 39%

Một trong những biện pháp để giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá đang được Bộ Y tế đưa ra là xây dựng lộ trình tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt trong thanh thiếu niên.

Cụ thể là sẽ xây dựng lộ trình về thuế các sản phẩm thuốc lá theo hướng: tăng thuế và giá của các sản phẩm thuốc lá; áp dụng mức thuế cao đối với các sản phẩm thuốc lá; quy định giá tối thiểu các sản phẩm thuốc lá; và áp dụng các biện pháp để hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại các cửa hàng miễn thuế.

Bộ Y tế cho biết, thực tế hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá của nam giới nước ta đứng trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Kết quả điều tra thực trạng hút thuốc lá trong người trưởng thành tại Việt Nam năm 2010 đã cho thấy có 47,4% nam, 1,4% nữ và 23,8% người trưởng thành nói chung (15,3 triệu người) đang hút thuốc lá.

Đáng lo ngại là tình trạng tiếp xúc thụ động với khói thuốc cũng rất cao, khoảng 55,9% người lao động (đại diện cho gần 8 triệu người) bị phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc. Có 73,1% người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên (đại diện 47 triệu người) bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nhà.

Theo thống kê của Bộ Y tế, việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá đang gây ra 40.000 ca tử vong sớm mỗi năm cho Việt Nam.

Còn Tổ chức Y tế Thế giới ước tính thuốc lá sẽ gây ra 70.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam vào năm 2030, nếu như các biện pháp phòng chống thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Bởi vậy, khi xây dựng Dự thảo Chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2012-2020, Bộ Y tế không chỉ đặt mục tiêu với đối tượng trực tiếp hút thuốc lá mà còn đưa chỉ tiêu giảm mạnh cả tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Trong đó có tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc đến năm 2020 tại cơ sở y tế phải giảm từ 24% xuống còn 14%; tại cơ sở giáo dục giảm từ 22% hiện nay xuống còn 12%; nơi làm việc từ 56% xuống còn 26%; nhà hàng 85% xuống còn 50%; phương tiện giao thông công cộng 34% xuống còn 16%.

Bộ Y tế hiện đã hoàn thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nêu trên, lấy ý kiến góp ý của nhân dân trước khi trình ban hành theo quy định.

Nguồn Chinhphu.vn