Di dời lồng bè nuôi tôm hùm trên biển đến vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh - Những vấn đề cần quan tâm

(NTO) Gần như toàn bộ bè nuôi tôm hùm lồng nổi trên vùng biển Bình Sơn – Ninh Chử đã được các hộ dân tự nguyện di dời đến vùng Quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên vùng biển của tỉnh, trả lại một không gian biển thông thoáng và tươi đẹp cho bãi biển du lịch nổi tiếng của Tp. Phan Rang – Tháp Chàm.

Như vậy, sau hơn 5 năm “chần chừ”, “sống” chung với ô nhiễm từ các hoạt động nuôi tôm hùm lồng trái phép và sự mất cảnh quan du lịch bởi các bè nuôi, lưới thả, ảnh hưởng các hoạt động thể thao, giải trí trên vùng biển du lịch của tỉnh; thì nay, bãi tắm du lịch Bình Sơn-Ninh Chử đã được trở về với dáng vẻ trong xanh, duyên dáng vốn có của mình, làm hài lòng nhiều cư dân thành phố và khách du lịch gần xa.

 
Nhân dân nhanh chóng tổ chức lại bè nuôi tôm hùm trong vùng quy hoạch. Ảnh: Phước Vinh

Có 32 bè nuôi tôm hùm lồng nổi của 36 hộ ngư dân phường Đông Hải, Mỹ Hải, Mỹ Đông Tp. Phan Rang – Tháp Chàm đã được neo đậu an toàn tại khu C1, thuộc vùng quy hoạch theo Quyết định số 2726/QĐ-UBND ngày 16/12/2010 về phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản trên vùng biển Ninh Thuận đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Kết quả này, thể hiện sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền, sự tự giác của nhân dân và sự đồng thuận cao trong xã hội về các quyết định Nhà nước trong việc thực thi pháp luật tại địa phương. Vùng nuôi mới theo quy hoạch cũng là nơi có điều kiện thuận lợi cho việc nuôi tôm hùm đã được Viện Hải Dương học Nha Trang đánh giá, đề xuất.

Trở lại vùng nuôi mới vào một ngày nắng đẹp, một cảnh tượng thật thanh bình hiện ra trước mắt, những bè tôm hùm đang ung dung, bồng bềnh trên biển. Ngắm nhìn những thanh niên lực lưỡng, đen bóng nhanh nhẹn trên mỗi chiếc lồng nuôi tôm và trên những con thuyền nhỏ, mới thấy một cuộc sống vẫn tiếp tục như mọi ngày đối với những ngư dân nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, ở một nơi mới, một hoàn cảnh mới vẫn còn nhiều điều trăn trở trong mỗi hộ nuôi tôm hùm lồng nơi đây.

Trải lòng mình, một ngư dân tâm sự: nghề nuôi tôm hùm lồng sợ nhất là phí tổn, tại vùng nuôi này cách xa nhà và vùng cung cấp thức ăn cho tôm. Trong khi đó, việc di chuyển, cung cấp nhu yếu phẩm và nguyên, nhiên liệu sản xuất chủ yếu phải dùng thuyền với khoảng cách gần 6km vì đường vào bờ ở vùng nuôi mới còn khó khăn, bà con rất cần một đường dẫn từ khu vực nuôi vào bờ để giảm bớt chi phí. Ngoài ra, kết cấu lồng bè hiện tại chỉ mới phù hợp với việc nuôi trong vùng vịnh, kín gió, không chịu nổi gió trên cấp 6, dễ bị gãy khi có gió to. Để đầu tư, nâng cấp bè thì rất cần sự giúp đỡ từ phía chính quyền.

Thiết nghĩ, để phát huy các lợi thế biển của địa phương, phát triển nhanh kinh tế - xã hội bắt kịp các vùng lân cận; quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh là một hướng đi đúng, cần được quan tâm thực hiện.

Để đảm bảo phát triển hài hòa các ngành kinh tế, cân đối giữa phát triển kinh tế thủy sản và các ngành kinh tế khác, khai thác có hiệu quả để phát huy các lợi thế biển của địa phương. Song song với các quyết tâm lập lại trật tự sử dụng mặt nước biển, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn cần có một số biện pháp cơ bản để giúp người nuôi tôm hùm lồng trên biển vượt qua những khó khăn trước mắt như: Tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng trong điều kiện vùng nuôi mới; tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận với nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ để nâng cấp lồng bè, đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và tạo các điều kiện thuận lợi khác để ngư dân tiết kiệm chi phí, tăng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản; tổ chức giao hoặc cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản đúng quy định của pháp luật; Thả các phao báo hiệu vùng nuôi thủy sản theo quy định của Bộ Luật Hàng hải và các quy định của Bộ Giao thông vận tải về báo hiệu hàng hải và thông báo hàng hải đảm bảo cho an toàn vận chuyển trên biển và các bè nuôi tôm hùm hiện nay.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác cũng cần phải nghiên cứu, đó là: quy hoạch khai thác và sử dụng không gian biển nhằm đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững 105 km đường bờ biển, với gần 24.480 km2 vùng đặc quyền kinh tế và khoảng 1.800 km2 vùng lãnh hải nội thủy của tỉnh.