Định nghĩa lũ quét
Định nghĩa: Lũ quét thường là những trận lũ lớn, xảy ra bất ngờ, tồn tại trong một thời gian ngắn (lên nhanh, xuống nhanh), dòng chảy xiết có hàm lượng chất rắn cao và có sức tàn phá lớn.
Cầu Xóm Mới xã Lâm sơn hư hỏng hoàn toàn, sau đợt lũ quét ngày 23 tháng 8 năm 2011.
Sự xuất hiện của lũ quét thường chỉ trong vài ba giờ sau khi có mưa với cường độ lớn. Sự hình thành lũ quét có liên quan mật thiết với cường độ mưa, điều kiện khí hậu, đặc điểm địa hình, các hoạt động của con người cũng như điều kiện tiêu thoát lũ của lưu vực.
Vào năm 2011, do mưa lớn nên một trận lũ quét vào rạng sáng 23-8 tại huyện miền núi Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã cuốn trôi 3 cây cầu, hàng trăm con gia cầm, tàn phá hơn 30 ha hoa màu ở các xã Lâm Sơn, Lương Sơn và thị trấn Tân Sơn. Tại thôn Trà Giang 4, xã Lương Sơn, lũ làm đứt cáp treo của cầu liên thôn, cuốn phăng toàn bộ thân cầu. Tại xã Lâm Sơn, lũ đánh sập 3 nhịp cầu treo Xóm Mới nối liền 2 thôn Lâm Bình và Gòn, đồng thời phá hỏng cầu gỗ ở thôn Lâm Hòa. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hai đối với loại thiêt tai này chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi về đặc điểm, bản chất của lũ quét để có kế hoạch thích hợp.
Sự khác nhau giữa lũ quét với lũ thông thường - các đặc trưng của lũ quét
Khác với lũ thông thường, lũ quét là một dạng lũ lớn chứa nhiều vật chất rắn, xảy ra bất ngờ trong thời gian ngắn trên các lưu vực nhỏ, địa hình dốc, lưu tốc cao nên có sức tàn phá lớn.
Lũ quét chuyển động rất nhanh, tập trung gần như tức thời, đỉnh lũ thường xuất hiện chỉ từ 3h đến 4h sau khi bắt đầu mưa, thường chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 thời gian truyền lũ thông thường. Vì vậy mà thường khó có thể sử dụng các phương pháp thông dụng hiện có trong tính toán dự báo thuỷ văn để dự báo hoặc cảnh báo lũ quét.
Do lũ quét thường xuất hiện rất nhanh và chỉ diễn biến trong thời gian ngắn nên thời gian dự kiến của dự báo hoặc cảnh báo lũ quét cũng rất ngắn, thậm chí không thể dự báo được; vì vậy, để giảm nhẹ thiệt hại cần có một hệ thống truyền tin cảnh báo nhanh cho cộng đồng và kế hoạch phản ứng linh hoạt, cơ động của cộng đồng khi lũ quét xảy ra.
Các dạng lũ quét
Lũ quét là loại hình thiên tai xảy ra từ lâu trên thế giới. Dựa vào hình thức, quy mô phát triển và các vật chất mang theo trong dòng chảy lũ mà lũ quét được phân ra các lọai chính sau:
- Lũ quét sườn dốc (Sweeping flood, flash flood: lũ xảy ra với tốc độ lớn và ngắn, quét đi mọi chướng ngại trên đường nó đi qua)
- Lũ bùn đá (Mudflow: lũ có mang nhiều bùn, đá trong dòng lũ)
- Lũ nghẽn dòng (Debris flood: Lũ mang nhiều rác, cành cây, đất đá, cuội sỏi).
- Sự cố hồ chứa nước nhân tạo...
Các dạng lũ quét thường gây thiệt hại ở nước ta là lũ quét sườn dốc, lũ bùn đá và lũ nghẽn dòng.
Đặc điểm của lũ quét
- Loại lũ quét sườn dốc:
Lũ quét sườn dốc thường phát sinh do mưa lớn trên khu vực có độ dốc lớn, độ che phủ thảm thực vật thấp là nhân tố tạo ra dòng chảy mặt sườn dốc lớn, tích tụ nước nhanh về các suối tạo nên dòng lũ quét ở phía hạ lưu. Dạng lũ quét này thường xảy ra ở các lưu vực nhỏ hình nan quạt. Khi có mưa lớn trên lưu vực, từng nhánh suối tập trung nhanh đổ về dòng chính gây ra lũ quét trên dòng chính.
- Loại lũ quét bùn đá:
Lũ bùn đá là một dạng đặc biệt của lũ quét, có sức tàn phá huỷ diệt ghê gớm. Hầu hết những dòng bùn đá thường bắt nguồn từ sự trượt lở đất gây ra bởi nhiều nhân tố như nước mưa, động đất, xói mòn, trượt ngầm, nước ngầm,... những mảnh vụn (đất, đá) do trượt đất cuốn đi hoà với nước sông, suối trở thành dòng bùn. Tốc độ lớn nhất trung bình của dòng bùn thường là từ một vài m/s đến vài chục m/s tuỳ thuộc vào độ dốc lòng dẫn, thường bao gồm một khối lượng lớn những vật bị cuốn trôi. Nói chung dòng bùn có mật độ cao, khối lượng dòng bùn có thể từ 1,1 - 1,2 tấn/m3 và có khi cao hơn nữa. Đó là trường hợp dòng bùn mật độ lớn cuốn theo nhiều tảng đá, có khả năng va đập, cuốn trôi các công trình kiến trúc, cầu cống, kết cấu thép, móng công trình, những tảng đá khổng lồ... nghĩa là tất cả mọi vật cản, mọi chướng ngại trên đường nó đi qua.
- Loại lũ quét nghẽn dòng:
Một loại hình lũ quét xảy ra cũng khá phổ biến nữa ở miền núi nước ta có thể gọi là lũ quét nghẽn dòng. Lũ quét nghẽn dòng là loại hình lũ miền núi thường phát sinh từ các khu vực có nhiều trượt lở ven sông, suối. Đó là các khu vực đang có biến dạng mạnh, sông suối đào xẻ lòng dữ dội, mặt cắt hẹp thường có dạng chữ V, sườn núi rất dốc. Sau khi mưa lớn kéo dài, dòng suối đột nhiên bị tắc nghẽn, nước sông suối dâng cao ngập một vùng rộng lớn thường là các vùng lòng chảo, những thung lũng. Thời gian lũ lên với tốc độ lớn nhỏ khác nhau và thời gian ngâm lũ cũng kéo dài khác nhau tuỳ thuộc điều kiện địa lý của vùng thung lũng rộng hay hẹp và điều kiện có mưa lớn kéo dài hay ngắn.
Nguyên nhân chính gây ra lũ quét nghẽn dòng là phía hạ lưu của vùng lòng chảo có lòng sông, suối bị thu hẹp. Dòng chảy bị co thắt dễ dàng bị tắc nghẽn do đất đá trượt lở và cây cối lấp tắc đường thoát lũ, tạo thành con đập tạm đột ngột chắn ngang dòng suối. Khi dòng lũ tích tụ đến mức đập chắn bị mất ổn định và vỡ, lượng nước tích lại trong vùng lòng chảo khi bị nghẽn dòng được giải phóng đột ngột tạo thành sóng lũ lớn cho phía hạ lưu. Lũ quét nghẽn dòng thường tái diễn nhiều lần trên một sông suối. Do phát sinh từ khu vực tiềm tàng nhiều trượt lở, nên khả năng xảy ra nhiều lần lũ quét rất cao.
Vì tính chất phức tạp của lũ quét do vậy đối với chính quyền địa phương các khu vực đã và có nguy cơ xảy ra lũ quét, tại các cầu tràn qua sông, bờ, đập cần xây dựng các biển cảnh báo, thông báo, cảnh báo nguy hiểm.
Các biện pháp phòng chống lũ quét cần được phổ biến rộng rãi đến các ngành, các địa phương nhất là các huyện Ninh Sơn, Bác ái để chủ động phòng chống lũ quét.
Nguyễn Sĩ Thoại