Đồng chí Lê Ngọc Lễ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Ban chỉ huy PCLB huyện, cho biết: Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa, huyện đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCLB các cấp đủ số lượng, có năng lực điều hành, phân công nhiệm vụ cho thành viên phụ trách từng địa bàn, lĩnh vực. Địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, đặc biệt là các hộ dân sinh sống ở ven hồ Tân Giang, CK7, Suối Lớn…
Chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển trong mùa mưa bão
Qua kiểm tra cho thấy, đập tràn tự do hồ CK7 dễ gây xói lở ruộng của 13 hộ dân ở thôn 2, xã Nhị Hà, nên địa phương đã kiến nghị cơ quan chức năng sớm xây bờ kè ngăn dòng chảy vào ruộng. Hệ thống thoát lũ sông Lu (tiêu lũ chính) đã được gia cố, tuy nhiên đề phòng lũ lớn vượt mức báo động, có thể xảy ra tình huống xấu, nên huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Thủy nông thường xuyên kiểm tra các đoạn xung yếu khi tiến hành xả lũ. Vận hành xả lũ công trình phải tuân thủ nguyên tắc lưu lượng cho phép.
Ban Chỉ huy PCLB huyện cũng đã lập kế hoạch trong trường hợp cần thiết sẽ huy động lực lượng vũ trang từ 60 người đến 80 người cùng với lực lượng xung kích ở các xã tham gia cứu hộ. Vật tư bảo đảm cho công tác cứu hộ như: ghe, xuồng, áo phao, xe tải, bãi lấy cát, đá hộc, rọ sắt, bao tải… được chuẩn bị đầy đủ. Đồng chí Lưu Ngọc Lễ, cho biết thêm: Thông thường hằng năm khi bão xuất hiện, các xã Nhị Hà, Phước Minh hay có lũ quét; Phước Ninh, Phước Nam bị ngập úng; ven biển Phước Diêm, Phước Dinh, Cà Ná nước biển dâng cao kèm theo sóng lớn. Vì vậy, để PCLB có hiệu quả, huyện xây dựng phương án cụ thể cho từng khu vực. Đối với vùng triền suối, vùng trũng thấp, vùng thường xuyên xảy ra lũ quét huyện chỉ đạo UBND các xã huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp chặt chẽ với đội cứu hộ, cứu nạn huyện thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát lại các hộ nằm ở khu vực xung yếu, có phương án di đời dân ra khỏi vùng lũ lụt uy hiếp. Theo đồng chí Tôn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Nhị Hà, huyện đã cấp cho xã hai chiếc thuyền nhôm, phao cứu sinh phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ. Về phía xã đã thành lập đội xung kích, nòng cốt là lực lượng công an, dân quân; đồng thời chuẩn bị đầy đủ bao chứa, khu vực lấy đất, cát để gia cố đập tràn hồ CK7, kênh mương khi có lũ.
Nhà bạt phục vụ công tác di dời những hộ dân vùng trũng đến nơi an toàn khi có lũ lớn
được Ban Chỉ huy PCLB huyện Thuận Nam chuẩn bị đầu đủ.
Đối với 3 xã ven biển, chủ động phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng 416, 420 và các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu. Hiện tổng số tàu ở các xã trên là 1.017 chiếc với gần 7.100 lao động. Chủ trương chung của địa phương là khi có bão, bằng mọi biện pháp phải kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh bão, neo đậu an toàn. Hướng dẫn tàu vào cảng Cà Ná, lạch Sơn Hải neo đậu đúng nơi quy định. Cương quyết không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt khi chưa có thông tin cuối cùng về bão. Trung tá Nguyễn Duy Trinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 420, cho biết: “Trách nhiệm của Đồn là phối hợp tốt với các đơn vị cứu hộ ngư dân xã Cà Ná, Phước Diêm. Đồn đã xây dựng phương án, chuẩn bị mọi thực lực đối phó với lụt bão. Cơn bão số 7 vừa qua, tuy không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh ta, nhưng Đồn đã huy động 2 chiếc ca nô cùng với 5 chiếc tàu công suất lớn của ngư dân túc trực thường xuyên ở cảng Cà Ná sẵn sàng làm nhiệm vụ”.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong tháng 10 và 11 vẫn còn tiếp tục có mưa, không loại trừ lũ sẽ xuất hiện. Để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản công, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ, nhất là các công trình phục vụ PCLB; khuyến cáo bà con nông dân không sản xuất vụ mùa ở những vùng có nguy cơ ngập úng cao.
Anh Tùng