Phan Rang- Tháp Chàm: Xử lý ô nhiễm môi trường cần có sự chung tay của chính quyền và nhân dân

(NTO) Trong những năm qua bộ mặt đô thị Tp.Phan Rang-Tháp Chàm ngày thêm khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; cùng với quá trình đó công tác quản lý vệ sinh, môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải, nước thải đang đặt ra vấn đề cấp bách nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Hiện nay tình trạng rác thải, nước thải trong các khu dân cư, khu chế biến, các cơ sở sản xuất, kinh doanh du lịch, công viên, trường học, bệnh viện, chợ, trên các tuyến đường, ven sông, ven biển,…đang là vấn đề bức xúc ở địa phương. Tình trạng ngập úng, ứ đọng nước vào mùa mưa ở một số tuyến đường và một số khu dân cư chậm được khắc phục. Các dự án nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được triển khai. Hiện chỉ có khảong 80% hộ gia đình trong nội thành thực hiện hợp đồng thu gom rác thải… Những vấn đề nêu trên đã tác động trực tiếp đến môi trường đô thị.

 
Công nhân Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Việt Ninh chăm sóc cây xanh, góp phần giữ gìn đô thị xanh - sạch - đẹp.
Ảnh: Văn Miên

Trước thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền Tp.Phan Rang-Tháp Chàm xác định bảo vệ môi trường nói chung, xử lý rác thải, nước thải nói riêng phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách, vừa lâu dài và thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các ban ngành từ thành phố đến phường, xã; là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức và công dân. Ngày 20-7-2012, Ban Thường vụ Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm đã ban hành Nghị quyết số 05 – NQ/TU về xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm xanh, sạch, đẹp đến năm 2015 và định hướng đến 2020. Nghị quyết xác định: Xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm xanh, sạch, đẹp là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi công dân và toàn xã hội; đồng thời nhằm bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững, tăng lợi thế cạnh tranh, huy động các nguồn lực cho đầu tư và phát triển; tạo dựng môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp và thân thiện, có nếp sống văn minh đô thị, có văn hóa ứng xử với môi trường, là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, UBND thành phố đã ban hành “Đề án xây dựng Tp. Phan Rang – Tháp Chàm xanh, sạch, đẹp” và nhiều văn bản chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đề án có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2015 có 100% rác thải của 16/16 phường, xã được thu gom; 90% rác thải sinh hoạt và 80% chất thải độc hại, y tế được xử lý. Đến năm 2020 bảo đảm 100% rác thải đô thị và 90% chất thải rắn, y tế được thu gom và xử lý bằng các công nghệ phù hợp.

Theo lộ trình đến năm 2015, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm phấn đấu sẽ trở thành đô thị loại II. Đây sẽ là mốc quan trọng ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trên mọi phương diện. Tuy nhiên để đạt được điều đó, thành phố còn rất nhiều việc phải làm:

Thứ nhất: Phát động phong trào toàn dân tham gia công tác bảo vệ môi trường, gắn với việc đăng ký xây dựng khu phố, thôn văn hoá, đơn vị có nếp sống văn minh. Chọn một số tuyến đường vận động cán bộ và nhân dân tham gia xây dựng tuyến đường “xanh - sạch - đẹp”. Phát động phong trào tình nguyện thu gom rác trong lực lượng đoàn viên thanh niên, công nhân viên chức tại các khu vực công cộng, khu dân cư. Tổ chức cho các hộ dân đăng ký, cam kết thực hiện việc thu gom rác, xử lý nước thải đúng quy định; tuyên truyền quán triệt trong nhân dân khắc phục tình trạng rãi giấy vàng mã trên đường phố. Thông qua phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Thứ hai: Có kế hoạch thu gom rác thải trên sông, ven biển phù hợp, đảm bảo các bãi biển, các khu vực dân cư ven sông, ven biển,… luôn sạch đẹp. Tăng cường các lực lượng, đầu tư phương tiện và có biện pháp hiệu quả trong việc tổ chức thu gom rác, không để rác ứ đọng. Mở rộng địa bàn thu gom rác đến các đường hẻm bên trong khu dân cư, các vùng ven biển, ven sông. Tiến hành khảo sát bố trí các điểm trung chuyển rác thuận lợi, hợp vệ sinh, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Thứ ba: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình có vốn “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhất là các công trình thoát nước, chống ngập úng; nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng bên trong các khu dân cư. Hoàn thiện lát vỉa hè, hệ thống cống rãnh trên các tuyến đường chính, các tuyến du lịch, không để rác thải, nước thải ứ đọng gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.

Thứ tư: Nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ về giữ gìn vệ sinh môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, các cơ quan công sở trên địa bàn; yêu cầu các cơ sở, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh cam kết bảo vệ môi trường, đặc biệt về xử lý rác thải, nước thải. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vi phạm về bảo vệ môi trường; cương quyết thực hiện theo thẩm quyền đình chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Khảo sát, xác định vị trí để sớm di dời các cơ sở sản xuất nước mắm và chế biến hải sản trong các khu dân cư ra ngoại thành.

Thứ năm: Trong quy hoạch các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu chế biến, khu công nghiệp,… phải đảm bảo có quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thoát nước, trồng cây xanh tạo cảnh quan và vệ sinh môi trường. Đối với các dự án đầu tư, khi thẩm định, phê duyệt dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện đúng các cam kết bảo vệ môi trường, xử lý chất thải theo dự án được duyệt.

Với yêu cầu phát triển hiện nay, việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị tại địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh đô thị là điều cần thiết vì một thành phố xanh, sạch và thân thiện.