Cựu Vương Campuchia Norodom Sihanouk qua đời

Sáng 15-10 Cựu Vương Campuchia Norodom Sihanouk (ảnh) qua đời tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc khi đang điều trị bệnh tại đây, hưởng thọ 90 tuổi.

Phó Thủ tướng Campuchia Nhik Bun Chay đã xác nhận thông tin này. Ông Bun Chay cho biết: “Cựu Vương của chúng tôi đã qua đời lúc 2 giờ sáng nay tại Bắc Kinh do tuổi già. Đây là mất mát lớn đối với đất nước Campuchia. Chúng tôi rất đau buồn. Cựu Vương là một vị vua tuyệt vời mà tất cả chúng tôi đều kính trọng và yêu quý”.

Theo THX, Quốc vương Norodom Sihamoni sẽ bay tới Bắc Kinh ngay trong sáng nay để đưa thi thể cha mình về Campuchia an táng theo nghi lễ truyền thống.

Cựu Vương Sihanouk sinh ngày 31-10-1922. Ông bị mắc nhiều chứng bệnh ung thư, đái tháo đường, cao huyết áp và thường xuyên tới Bắc Kinh để chữa bệnh.

Ông Sihanouk sinh năm 1922, là con trai trưởng của Vua Norodom Suramarit và Hoàng hậu Kossamak. Ông được đào tại các trường của Pháp ở Sài Gòn và thủ đô Paris.

Sau khi lên ngôi Quốc vương Campuchia năm 1941, ông thực hiện một chiến dịch quốc tế đòi độc lập cho Campuchia. Năm 1953, Campuchia giành được tự do mà không để xảy ra đổ máu sau gần một thế kỷ nằm dưới sự thống trị của Pháp. Hai năm sau đó, ông Sihanouk thoái vị, nhường ngôi cho cha và trở thành Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia. Ông vài lần là thủ tướng trong những năm sau đó trước khi trở thành nguyên thủ quốc gia sau khi cha ông qua đời năm 1960.

Tháng 10 – 2004, vì lý do sức khỏe, ông nhường ngôi cho con là Quốc vương Norodom Sihamoni. Trong 6 thập niên cầm quyền, ông là nhân vật được tôn kính bậc nhất trên chính trường Campuchia và cũng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau. Sách Kỷ lục Guinness đã ghi nhận ông là một trong các chính khách giữ nhiều chức vụ nhất, bao gồm 2 lần làm vua, 2 lần làm thái tử, 1 lần làm chủ tịch nước, 2 lần làm thủ tướng và một lần là quốc trưởng Campuchia và nhiều chức vụ khác nữa của chính phủ lưu vong.

Cựu vương Sihanouk là một nhân vật có vai trò nổi bật trong lịch sử Campuchia thế kỷ 20. Trong suốt cuộc đời đầy thăng trầm cùng lịch sử đất nước, với hai lần phải sống lưu vong và hai lần trở lại ngôi vua, ông nhận được tình cảm yêu mến của đại đa số nhân dân Campuchia, đặc biệt ở các làng quê, và được coi là biểu tượng của sự hòa giải và đoàn kết dân tộc.

Trong lúc đang thực hiện chuyến thăm Mátxcơva năm 1970, Cựu vương Sihanouk đã bị Tướng Lon Nol lật đổ và năm 1975 nước Cộng hòa Khmer rơi vào tay Khmer Đỏ, mở màn cho 4 năm lịch sử đẫm máu và đau thương của Campuchia, khiến gần 1/4 dân số nước này thiệt mạng vì đói ăn, bệnh tật, tra tấn và hành quyết. Ông từng trở thành nguyên thủ quốc gia hình thức của chính phủ mới khi Pol Pot nắm quyền lực. Tháng 4-1976, ông từ chức vì sự tàn bạo của Khmer Đỏ và bị quản thúc trong hoàng cung. Năm 1978, Khmer đỏ sắp bị tiêu diệt, ông xin tỵ nạn ở Bắc Kinh. Sau khi ông Hun Sen được bầu làm thủ tướng chính phủ Campuchia, ông trở về nước.

Cựu vương Sihanouk đã mất 5 người con và khoảng 14 người cháu trong thời kỳ Khmer Đỏ nắm quyền. Ông là một người biết chơi saxophone, một nhà làm phim, một nhạc sĩ và họa sĩ. Ông từng đứng đầu một ban nhạc jazz và tham gia một đội bóng đá cung điện. Hồi tháng 1 vừa qua, trong lúc đang chữa các chứng bệnh ung thư ruột kết, tiểu đường và cao huyết áp tại Trung Quốc, ông Sihanouk đã yêu cầu được hỏa táng sau khi qua đời, tro hỏa táng được đặt trong một chiếc tháp ở Cung điện Hoàng gia Campuchia.
Nguồn Báo SGGP Online