Kinh tế thế giới đang ở mức nguy hiểm

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) tại Tokyo, Nhật Bản, IMF tuyên bố hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) leo thang.

Ảnh minh họa

IMF cũng cho rằng, kinh tế thế giới còn có thể giảm tốc sâu hơn trừ phi Mỹ và châu Âu giải quyết được các mối nguy đối với nền kinh tế của họ.

Trong bản báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, IMF nhận định tăng trưởng trong năm nay của hầu hết các nền kinh tế thế giới đều giảm. Nguy cơ này sẽ tiếp tục tăng cao nếu Eurozone không thể dập tắt cuộc khủng hoảng nợ công và Mỹ thất bại trong kế hoạch khẩn cấp tăng thuế, giảm chi tiêu vào năm 2013.

IMF dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2012, mức tăng thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2009, và tăng 3,6% trong năm tới. Trước đó, vào tháng 7-2012, IMF đã dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay và 3,9% trong năm 2013.

Trước đó, ngày 8/10/2012, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, từ mức 7,6% đưa ra hồi tháng 5 xuống còn 7,2% trong năm 2012. Đồng thời, thể chế tài chính lớn nhất thế giới này cho biết nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách châu Á sẽ phải đưa ra các đợt nới lỏng tiền tệ, cũng như các chính sách tài khóa mới trong thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Theo WB, kinh tế khu vực Đông Á (trừ Nhật Bản và Ấn Độ) năm 2011 đã tăng trưởng 8,3% nhưng có nguy cơ sẽ chỉ đạt mức tăng 7,2% năm nay, mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 2001.

Các nhà chức trách của WB cho biết, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường bên ngoài tiếp tục suy yếu và áp lực lạm phát đã dần dịu bớt, các ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia đã quyết định đưa ra các chính sách tài chính mới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước. Những động thái này có thể góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa nhờ lãi suất thấp và tính thanh khoản tương đối tốt tại hầu hết quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Theo WB, việc gia tăng nhu cầu nội địa sẽ là động lực chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Á - Thái Bình Dương trong năm 2013, bù đắp cho sự suy giảm sức tiêu thụ hàng hóa tại châu Âu và Mỹ, vốn là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của khu vực này.

WB cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ Eurozone tiếp tục xấu đi, các vấn đề của nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế Trung Quốc giảm hơn nữa là những nguy cơ lớn cản trở đà phục hồi của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi các "căn bệnh" cũ đang cản trở kinh tế toàn cầu chưa “chữa trị” được dứt điểm, thì nhiều “căn bệnh” mới lại xuất hiện như: tình trạng giá thực phẩm leo thang 20% tại các nước nghèo kể từ tháng 6 vừa qua, vấn đề tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật - Hàn, nguy cơ chiến tranh giữa Iran và Israel, hay tình hình bất ổn tại Syria.. càng làm bức tranh kinh tế thế giới trở lên u ám.

Ðiều đáng lo ngại là lần này, "bóng ma" suy thoái kinh tế toàn cầu trở lại khi hầu hết các nền kinh tế lớn dường như đã "hết võ" để chống đỡ.

Các nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Mỹ, tới Nhật Bản đã nhiều lần "kê toa, bốc thuốc", song, căn bệnh của các nền kinh tế dường như không hề thuyên giảm. Tháng 9 vừa qua, hàng loạt "đòn quyết định" đã được các đầu tàu kinh tế thế giới tung ra. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định mua số lượng lớn trái phiếu chính phủ của các nước Eurozone đang ngập trong nợ nần, giúp giảm chi phí vay mượn của các nước này.

Trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tung vào thị trường gói cứu trợ thứ 3 (QE3), theo đó mỗi tháng chi 40 tỷ USD mua lại các trái phiếu dài hạn có liên quan tới thế chấp. Tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương nước này cũng vừa quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

Thậm chí, ngay trước hội nghị của IMF và WB, Eurozone đã khởi động Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của Eurozone, nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính trong liên minh tiền tệ này. ESM có trị giá 500 tỷ euro (khoảng 653 tỷ USD), được đưa ra để cung cấp tài chính cho các nước thành viên Eurozone gặp khó khăn, nếu họ cam kết tiến hành những cải cách tài chính và cơ cấu nhằm đưa các nền kinh tế không còn được giới đầu tư tin tưởng quay trở lại quỹ đạo.

Ngay sau khi thông tin ra mắt quỹ này được công bố, tổ chức xếp hạng Moody’s đã xếp ESM ở hạng AAA nhưng đánh giá quỹ bình ổn này ở dạng tiêu cực. Moody’s cảnh báo, nếu mức tín nhiệm của các nước Eurozone giảm, xếp hạng của ESM cũng giảm. Nhưng chuyên gia kinh tế người Italia Carlo Montenovesi nhận định, ESM được xem là giải pháp tối ưu cho các nền kinh tế châu Âu nhưng tác dụng của nó chỉ ở mức lâu dài và không thể vực dậy Eurozone trong thời gian ngắn.

Các nhà phân tích cho rằng, niềm hy vọng vào các biện pháp kích cầu kinh tế đang ngày một hao mòn, bởi đã gần năm năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu bùng phát, thế giới vẫn chưa tìm thấy "liều thuốc đặc trị" nào cho những "căn bệnh" của các nền kinh tế. Và, đây cũng là lý do khiến Phó Tổng thống Indonesia Boediono đưa ra nhận định rằng, thế giới có thể phải tiếp tục đối mặt với khủng hoảng kinh tế trong những năm tới, do đó, tất cả các nhà lãnh đạo cần học hỏi kinh nghiệm trước đây để đối phó hiệu quả với nguy cơ này./.

Nguồn Chinhphu.vn