IMF: Các nước cần hợp tác chặt chẽ để cải thiện kinh tế toàn cầu - Hy Lạp cần thêm hai năm để ổn định kinh tế

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11-10 tại Tôkiô bên lề Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Giám đốc IMF Crítxtin Lagácđơ (Christine Lagarde) đã kêu gọi tất cả các nước hợp tác chặt chẽ để cải thiện nền kinh tế toàn cầu do sự phục hồi kinh tế hiện nay chậm hơn dự kiến vì còn nhiều yếu tố bất ổn.

Theo bà Lagácđơ, sự khác biệt lớn nhất từ hội nghị mùa Xuân của IMF và WB đến nay là IMF nhận thấy rằng mức tăng trưởng giảm sút không chỉ ảnh hưởng đến các nền kinh tế tiên tiến mà còn tác động đến cả các nền kinh tế đang nổi lên, đặc biệt ở châu Á. Bà cho rằng có rất nhiều thách thức đối với các nền kinh tế đang nổi lên vì vậy những nước này cần theo dõi chặt chẽ những mặt dễ bị ảnh hưởng của cả thị trường trong nước và bên ngoài. Về thời gian sắp tới, Tổng Gám đốc IMF cho rằng các nước cần áp dụng 4 chính sách chủ chốt để duy trì tăng trưởng kinh tế. Những chính sách này gồm tiếp tục hoàn thiện cải cách khu vực tài chính để làm khu vực này an toàn hơn giải quyết khối nợ công cao, đặc biệt ở các nền kinh tế tiên tiến đang có mức nợ công đặc biệt cao các nhà hoạch định chính sách cần mở rộng việc làm để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và cuối cùng các nước thành viên IMF nên sẵn sàng đối mặt với sự mất cân bằng toàn cầu. Nhận định về nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay của Hy Lạp, bà Lagácđơ cho rằng nước này phải cần thêm hai năm nữa mới có thể ổn định trở lại. Bà cho rằng Aten (Athens) cần thời gian trước khi có thể giảm thâm hụt ngân sách xuống mức đã thỏa thuận. Theo bà, đây cũng là nhận định mà IMF đã đưa ra đối với trường hợp Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Vừa qua, các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp - gồm IMF, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB)- đã gia tăng sức ép với Aten, đề nghị nước này nhanh chóng thực hiện các cam kết "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa để đổi lại các khoản vay quan trọng. Ngày 6-10 vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp Antôni Xamara (Antonis Samaras) cảnh báo nếu khoản cứu trợ mới không đến sớm, két sắt của nhà nước sẽ trống trơn vào tháng 11 tới. Ngày 8-10, các chủ nợ quốc tế đã đưa ra hạn chót cho Aten đến ngày 18-10 - ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU - phải thực thi các cuộc cải cách để đổi lại đợt giải ngân các khoản vay đã bị hoãn lại từ tháng Sáu trị giá 31,5 tỷ ơrô. Hy Lạp đang trải qua quá trình "thắt lưng buộc bụng" nghiêm ngặt để đổi lại các khoản vay và giảm nợ tổng trị giá 347 tỷ ơrô (euro), tương đương 448 tỷ USD.

Theo đó, Hy Lạp nhất trí giảm thâm hụt ngân sách xuống 2,1% GDP vào năm 2014. Năm 2012, con số này ở mức 7,3% và dự báo tăng trưởng năm 2013 sẽ ở mức âm 3,8%, năm suy thoái thứ năm liên tiếp. Hiện, 1/5 người dân Hy Lạp bị thất nghiệp, trong khi nhiều người có việc làm thì bị cắt giảm lương bổng. Theo IMF, nợ công của Hy Lạp đang ở mức 170% GDP, một trong những con số tồi tệ nhất thế giới, và dự kiến còn tăng tới 182% vào năm 2013.

Theo TTXVN