Như vậy, bình quân 9 tháng CPI tăng 12,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2011. Điều đáng nói là việc tăng giá ở một số mặt hàng thiết yếu cũng không theo “quy luật” chung. Cụ thể là trước đây chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống luôn đóng vai trò chi phối tăng hay giảm chỉ số CPI, tuy nhiên thực tế này đã thay đổi trong tháng 9 vừa qua.
Người tiêu dùng mua sắm nữ trang tại tiệm vàng Hiền Lực. Ảnh:Sơn Ngọc
Theo số liệu của Cục Thống kê, tháng 9 chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục giảm 0,11% , trong số này lương thực giảm 1,25%; thực phẩm tăng 0,17% và ăn uống ngoài gia đình không tăng. Các nhóm hàng hóa khác như đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón, giày dép, bưu chính viễn thông, văn hóa, giải trí và du lịch... gần như ổn định thì ngược lại một số nhóm hàng khác lại có chỉ số tăng cao như thuốc và dịch vụ y tế tăng đến trên 164%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,86%; Giao thông tăng 3,59%; Giáo dục tăng 11,95%!.
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá ở một số nhóm mặt hàng như đã nêu trên chủ yếu là do Nhà nước điều chỉnh giá điện tăng 5% từ ngày 1-7-2012 và giá nước sinh hoạt tăng từ tháng 4-2012. Không những vậy, giá ga, giá xăng dầu điều chỉnh tăng liên tục từ tháng 8 và 9 đã tác động không nhỏ vào việc tăng giá thành sản phẩm cũng như qua khâu lưu thông. Mặc khác, UBND tỉnh điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng cao theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29-2-2012 đã làm cho giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 171,89% so với tháng 12-2011. Đồng thời nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm và sữa có mức tăng từ 5-13% là do nguyên liệu đầu vào tăng; kết hợp năm học 2012-2013 các loại sách giáo khoa được điều chỉnh tăng từ 4-5%...
Chỉ số giá vàng nếu trong tháng 8 chỉ tăng 0,43% thì sang tháng 9 tăng đến 5,56% trong khi chỉ số giá đô la Mỹ chỉ tăng 0,11% so với tháng trước, giảm 1,34% so với tháng 12-2011 và giảm 0,18% so với bình quân cùng kỳ năm 2011.
Tuấn Dũng