Cụ thể, các hình thức liên kết đào tạo được phép triển khai gồm: Đào tạo trực tiếp theo chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên xây dựng; thực hiện toàn bộ chương trình tại Việt Nam hoặc một phần chương trình tại Việt Nam, một phần chương trình tại nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam, của nước ngoài hoặc hai bên cấp riêng theo quy định của từng bên.
Thời hạn hoạt động của chương trình liên kết đào tạo không quá 5 năm, kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm.
Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày cho phép thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn, nhưng không quá 70 năm.
Chương trình đào tạo của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng ở nước ngoài hoặc là chương trình của cơ sở giáo dục đã được tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng.
5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục theo 2 hình thức: Cơ sở giáo dục 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Nghị định cũng nêu rõ 5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập gồm: 1- Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; 2- Cơ sở giáo dục mầm non (trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài; 3- Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho học sinh là người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu; 4- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 5- Cơ sở giáo dục đại học.
Trong đó, cơ sở giáo dục phổ thông được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam, nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường. Học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.
Đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài
Dành riêng một điều khoản Nghị định để quy định về nội dung này, theo đó, tên trường phải gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng. Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tên phải gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự sau đây: "Phân hiệu", "Tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài" và "tại tỉnh, thành phố của Việt Nam".
Nghị định quy định rõ việc tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở giáo dục mang tính đặc thù.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2012.
Nguồn www.chinhphu.vn