Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 74/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.

Nghị định nêu rõ, Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang Bộ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp Chính phủ tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ; tham mưu tổng hợp, giúp Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; bảo đảm thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật; bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Trong tham mưu tổng hợp, giúp Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng và quản lý chương trình công tác của Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện chương trình công tác của Chính phủ và Quy chế làm việc của Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ phối hợp thường xuyên với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình chuẩn bị và hoàn chỉnh các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ trình Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật;...

Trong tham mưu, tổng hợp, giúp Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện chương trình công tác năm, 6 tháng, quý, tháng, tuần của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan trong từng thời gian nhất định.

Văn phòng Chính phủ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, các đề án, dự án, dự thảo văn bản pháp luật để trình cấp có thẩm quyền quyết định; thẩm tra về trình tự, thủ tục chuẩn bị và tham mưu tổng hợp về nội dung; có ý kiến đánh giá độc lập đối với các đề án, dự án, dự thảo văn bản pháp luật, báo cáo theo chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ và các công việc khác do các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan trình Thủ tướng Chính phủ;

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan hoàn chỉnh nội dung, thủ tục, hồ sơ và dự thảo văn bản để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với những công việc thường xuyên khác. Trong trường hợp vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Văn phòng Chính phủ có thể triệu tập cuộc họp gồm đại diện có thẩm quyền của các Bộ, cơ quan có liên quan để thống nhất ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ;...

Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;...

Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quản lý và duy trì hệ thống thông tin hành chính điện tử Chính phủ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quản lý, xuất bản và phát hành Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;...

Đồng thời, cung cấp và tiếp nhận thông tin của công chúng về các hoạt động chủ yếu, những quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội nổi bật mà dư luận quan tâm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tổng kết hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác văn phòng đối với Văn phòng các Bộ, ngành, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;...

Cơ cấu tổ chức

Theo Nghị định 74/2012/NĐ-CP, Văn phòng Chính phủ có 19 Vụ, Cục, đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Bao gồm: 1- Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo và Phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là Vụ I); 2- Vụ Nội chính (gọi tắt là Vụ II); 3- Vụ Theo dõi phối hợp công tác giữa Chính phủ với Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương các đoàn thể nhân dân và Chính quyền địa phương (gọi tắt là Vụ III); 4- Vụ Tổng hợp; 5- Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ; 6- Vụ Pháp luật; 7- Vụ Quan hệ quốc tế; 8- Vụ Kinh tế ngành; 9- Vụ Kinh tế tổng hợp; 10- Vụ Khoa giáo - Văn xã; 11- Vụ Đổi mới doanh nghiệp; 12- Vụ Thư ký - Biên tập; 13- Vụ Văn thư Hành chính; 14- Vụ Tổ chức cán bộ; 15- Vụ Kế hoạch tài chính; 16- Cục Quản trị; 17- Cục Hành chính - Quản trị II; 18- Trung tâm Tin học; 19- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo và Phòng, chống tham nhũng có 3 phòng; Vụ Văn thư Hành chính có 5 phòng; Vụ Tổ chức cán bộ có 3 phòng; Vụ Kế hoạch tài chính có 2 phòng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và danh sách các đơn vị sự nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ.

Nghị định 74/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/11/2012.

Nguồn www.chinhphu.vn