Tình trạng này được phát hiện sau khi tìm thấy sự tồn tại của ký sinh trùng sốt rét artemisinin dọc theo biên giới giữa Thái Lan – Căm-pu-chia và Thái Lan –Myanm.
Phát biểu trước Ủy ban Khu vực Tây Thái Bình Dương, Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO nhấn mạnh sự cần thiết phải "giải quyết khẩn cấp vấn đề này trước khi chúng ta mạo hiểm đánh mất không chỉ những thành quả mong manh đã đạt được trong công tác kiểm soát bệnh sốt rét, mà cả mục tiêu một Khu vực Tây Thái Bình Dương không có bệnh sốt rét."
Thách thức lớn nhất là sự phát triển khả năng kháng thuốc của ký sinh trùng Plasmodium falciparum đối với các dẫn xuất artemisinin, vốn là loại thuốc điều trị sốt rét hiệu quả nhất. WHO cảnh báo về mối đe dọa kháng artemisinin lần đầu tiên vào năm 2005, sau khi các nghiên cứu dọc theo biên giới giữa Thái Lan – Căm-pu-chia chỉ ra rằng thời gian làm sạch P.falciparum khỏi cơ thể bệnh nhân kéo dài hơn.
Sốt rét vẫn lưu hành ở 10 trong tổng số 37 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Khu vực Tây Thái Bình Dương. Nỗ lực loại trừ bệnh sốt rét đã đạt được tiến bộ đáng kể, với số ca xác nhận mắc sốt rét giảm 37%, và số ca tử vong do sốt rét giảm 62% trong giai đoạn từ 2000 đến 2010. Tuy nhiên WHO cảnh báo nếu không tiếp tục duy trì đà kiểm soát căn bệnh do muỗi lây truyền này, sẽ có khả năng tình trạng kháng artemisinin lan sang các nước có bệnh sốt rét lưu hành khác trong khu vực và các quốc gia khác nữa.
"Chúng ta cần có cam kết chính trị cấp cao nhất ở các nước bị ảnh hưởng để ngăn chặn và tiêu diệt ký sinh trùng kháng thuốc. Một cách tiếp cận riêng rẽ từng quốc gia sẽ không có hiệu quả. Chúng ta phải hợp tác qua biên giới cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để duy trì thành quả đạt được trong những thập niên vừa qua." - Tiến sĩ Shin nhấn mạnh.
Tiến sĩ Shin cũng thúc giục các nước Tiểu vùng sông Mê Kông tăng cường và mở rộng các hoạt động để ngăn chặn và loại trừ bệnh sốt rét kháng artemisinin trên cơ sở Kế hoạch ngăn chặn kháng aretemisin toàn cầu của WHO.
Các hành động nêu trong Kế hoạch toàn cầu gồm: loại bỏ artemisinin đơn tri liệu đường uống, vốn là yếu tố chính dẫn đến sự xuất hiện kháng thuốc artemisinin và vẫn tiếp tục được sản xuất bất chấp lời kêu gọi của WHO chấm dứt sử dụng những loại thuốc này để điều trị sốt rét không biến chứng; giám sát chất lượng của thuốc chống sốt rét; chống thuốc sốt rét giả; đây là một yếu tố nữa góp phần dẫn đến sự xuất hiện kháng thuốc; đảm bảo tiếp cận phổ cập chẩn đoán đặc hiệu, thuốc chất lượng, an toàn và phòng chống sốt rét; đảm bảo nguồn lực tài chính; tăng cường hợp tác trong mỗi nước và giữa các quốc gia.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam